Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ quan sẽ phải trả giá

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Toàn hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở và người dân tuyệt đối không lơi là, chủ quan, phải chuẩn bị cho phương án cao nhất trong phòng, chống dịch; phải kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong các khu vực, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Đó là tinh thần tiếp tục được Thường trực Thành ủy nhấn mạnh trước tình trạng vẫn xuất hiện các ca Covid-19 trong cộng đồng, vi phạm khi thực hiện giãn cách xã hội không giảm.

Nhân viên y tế ở TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Ảnh: Mậu Dũng
Với hai đợt giãn cách liên tiếp, kéo dài gần một tháng, diễn biến dịch tại TP Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực khi số ca mắc Covid-19 giảm. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể “yên tâm”, bởi thực tế, sự chủ quan, lơ là đang xuất hiện ở không ít người dân.
Để kiểm soát dịch bệnh, ngăn sự lây lan, thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã tận dụng tốt “thời gian vàng” giãn cách xã hội để xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao. Tại các địa bàn, hàng loạt các chốt kiểm soát được lập nên để kiểm soát người và phương tiện, xử lý các vi phạm quy định giãn cách. Hơn thế nữa, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã lập 6 tổ kiểm soát cơ động mạnh, kiểm tra giấy đi đường của người dân đi vào nội thành, nhiều người không đủ giấy tờ đã bị xử phạt… Có thể nói rằng, đây là những giải pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình, hạn chế lây lan của dịch. Nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường, việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới. Và như nhiều ý kiến nhận định, có thể vẫn còn các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết. Trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện “chặt ngoài, lỏng trong”... Đó quả là những nguy cơ hiện hữu.

Hơn thế nữa, dù TP đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhưng vẫn còn không ít người dân cố tình tìm cách “lách luật” để ra đường. Thậm chí đã xuất hiện các hành vi sử dụng giấy phép “luồng xanh” giả, chống đối lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ… Nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu ý thức, xem thường pháp luật của một bộ phận người dân.

Cùng với việc xử lý lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe, việc nâng cao hơn nữa hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm là rất cần thiết. Bởi thực tế, cũng có không ít những chốt trực chỉ “chặt” ở một thời điểm, hoặc nơi chặt, nơi buông, khiến người dân xuất hiện tâm lý chủ quan. Do đó, rất cần kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” như nhắc nhở của lãnh đạo TP.

Và trên hết, ý thức của mỗi người dân càng cần nâng cao hơn nữa của chính mình. Giãn cách xã hội là giải pháp quyết định để ngăn chặn sự lây lan của trong cộng đồng, nhưng chỉ có hiệu quả nếu làm nghiêm, chặt chẽ ở tất cả các khâu, với bất kỳ ai; phát hiện, xử lý ngay người vi phạm… Chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus; tách được triệt để F0 ra khỏi cộng đồng. Đừng vì những lý do cá nhân, có khi không chính đáng mà vi phạm quy định phòng dịch hoặc chủ quan cho là “dịch còn xa” nên coi thường mọi khuyến cáo, khiến công sức, thời gian thực hiện giãn cách trở thành vô ích.