Chủ tịch đầu tiên của TP Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng: Nhà lãnh đạo vì nước, vì dân

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có một con đường khang trang rợp bóng cây xanh, nối từ đường Láng, Nguyễn Chí Thanh ra Đại lộ Thăng Long - trục đường huyết mạch phía Tây Thủ đô. Con đường ấy mang tên người Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội - bác sĩ Trần Duy Hưng.

Vinh dự và trọng trách
Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912 tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Lớn lên, ông học Ðại học Y cùng lứa với Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nhữ Thế Bảo, Nguyễn Hữu Thuyết…
Thời sinh viên, ông tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội. Do có uy tín lớn trong thanh niên, sinh viên và trí thức trẻ, ông được cử làm lãnh tụ phong trào hướng đạo sinh Bắc Kỳ dưới sự dìu dắt của nhà yêu nước Hoàng Ðạo Thúy.
Với cây đàn violon, ông cùng các đồng chí của mình thường đến một số chợ quê vào các ngày nghỉ, hát các bài ca yêu nước. Đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do Mặt trận Dân chủ và sau đó là Mặt trận Việt Minh phát động.
Tốt nghiệp trường y, trở thành bác sĩ, ông cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm.
Bác sĩ Trần Duy Hưng cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô.
Theo lời kể của ông Trần Chiến Thắng, con trai út của Thị trưởng Trần Duy Hưng, nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và nhiều người dân Hà Nội thời đó yêu quý bởi sự đức độ, tấm lòng bao dung, nhân hậu của người thầy thuốc, sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo.
Tại cơ sở chữa bệnh của mình, cha tôi đã cứu giúp và chở che nhiều cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ thù. Lòng yêu nước của cha tôi ngày càng sâu sắc rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã tìm đến nhà và đề nghị bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. Cũng theo ông Trần Chiến Thắng: “Lúc đó cha tôi quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao nên xúc động đáp: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...”. Nghe vậy, Bác Hồ đã động viên: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen. Điều quan trọng nhất là mang lại nhiều lợi ích cho người dân”. Chính vì lời động viên của Bác Hồ mà cha tôi đã nhận trọng trách làm người đứng đầu một Thủ đô non trẻ, đầy chông gai và khó khăn.
Thành công lớn nhất của bác sĩ Trần Duy Hưng khi làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội 1945 - 1946 là tập hợp được các tầng lớp Nhân dân Hà Nội dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc đầu tiên mà Chính quyền Hà Nội lúc đó làm được là cứu đói, sau đó là những chương trình củng cố chính quyền và một trong những chương trình quan trọng trong đó là bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đến năm 1954, ông còn là Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đoàn quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Thủ đô Hà Nội (sau này là UBND TP) cho đến năm 1977.
Những quyết sách linh hoạt, vì dân
Hà Nội sau ngày giải phóng bộn bề trăm việc, từ ổn định đời sống và giải quyết việc làm cho Nhân dân, khai hoang phục hóa, chống đói, xóa nạn mù chữ đến củng cố chính quyền từ TP xuống các quận, khu phố, làng xã…
Làm Trưởng ban Xóa nạn mù chữ, Chủ tịch Trần Duy Hưng xuống tận các ngõ xóm lao động ở Hai Bà Trưng, Đống Đa thăm hỏi, động viên Nhân dân tham gia các lớp bình dân học vụ buổi tối. Kết thúc ba năm thi đua diệt giặc dốt, Hà Nội được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai về thành tích thanh toán xong nạn mù chữ, trong đó có công lao to lớn của vị Chủ tịch tận tụy và mẫn cán.
Cùng với chăm lo các vấn đề xã hội cấp bách và nóng bỏng, thực hiện đường lối phục hồi và phát triển kinh tế, dưới thời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội từng có nhiều chính sách mạnh mẽ để đạt nhiều thành tựu lớn. Tiêu biểu, năng suất lúa của Hà Nội cao nhất miền Bắc, hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là lá cờ đầu về phong trào năm xung phong và ba sẵn sàng…
Không những thế, Hà Nội còn ban hành hàng loạt những chính sách đặc thù để phát triển vùng rau xanh, vùng thực phẩm, xây dựng các khu nhà ở tập thể cho công nhân, viên chức. Đáng ghi nhận, Hà Nội là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra cả nước, tuy nhiên, khu bếp, vệ sinh chung khá bất tiện. Rút kinh nghiệm, Chủ tịch Trần Duy Hưng cho xây dựng thêm những khu nhà tập thể hai tầng nhưng lúc này là nhà nhỏ khép kín.
Ngay từ những năm 1960, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho cán bộ, công chức. Được sự nhất trí của Thành ủy, TP Hà Nội đã triển khai việc bán căn hộ theo cách trả dần, một mặt để có thêm ngân sách, còn các gia đình có điều kiện để sửa sang nhà cửa đẹp hơn.
Ngoài ra, để huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển TP, Chủ tịch Trần Duy Hưng còn vận động các trí thức tư sản như Nguyễn Tử Trinh, Trịnh Văn Bô tham gia chính quyền, sử dụng trí tuệ và kinh nghiệm của họ vào công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội.
Việc làm mạnh mẽ và can trường nhất mà Chủ tịch Trần Duy Hưng đã dám làm vào thời điểm chiến tranh ác liệt là cho phép các hộ tư nhân sản xuất và bán những đồ gia dụng mà Hà Nội cực kỳ thiếu vào lúc đó. Thời kỳ này, đây là việc rất cấm kỵ, tuy nhiên, nhóm hàng gia dụng lại là những đồ dùng cực kỳ thiết yếu nên tác dụng của nó đã xóa nhòa đi phần nào ranh giới đúng – sai rất nhạy cảm của thời chiến.
Đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều gia đình ở Hà Nội lưu giữ cây đèn dầu Hoa Kỳ 3 bấc của tổ hợp các hộ tư nhân chợ Đồng Xuân – Bắc Qua sản xuất hồi đó. Ngoài ra, xoong nồi, dao, đũa, bát… cũng nằm trong số những sản phẩm được Chủ tịch Trần Duy Hưng cho phép sản xuất tư nhân để phục vụ Hà Nội đang bị bom Mỹ tàn phá ác liệt.
Đây là sự dũng cảm “xé rào” của bác sĩ Trần Duy Hưng trong thời điểm cam go của Thủ đô. Quyết định dũng cảm của vị Chủ tịch Hà Nội chỉ có thể xuất phát từ trái tim và ý chí của một người thầy thuốc với lời thề Hippocrates in sâu trong tâm trí: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã để lại cho Thủ đô hàng loạt những công trình tầm cỡ về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đó là Khu công nghiệp Cao - Xà - Lá, đường Thanh Niên, Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ, Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô… thông qua các phong trào thi đua rộng khắp và sôi nổi.
65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, những câu chuyện về bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội vẫn để lại cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Vượt lên tất cả đó là tấm gương về một nhà lãnh đạo luôn giữ tấm lòng “vì nước, vì dân” mà Thủ đô đã có được. Như sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về ông: "Một con người của Nhân dân, vì Nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo".

"Trong nhóm hiện vật “Đơn tình nguyện của cán bộ, viên chức, sinh viên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu” của Bảo tàng Chiến thắng B52 tọa lạc tại phố Đội Cấn - Hà Nội, lá thư (mang số hiệu lưu trữ 135 G - 65) được bác sĩ Trần Duy Hưng viết tay bằng bút mực đen trên tờ giấy khổ nhỏ có in sẵn tên “Trần Duy Hưng” đề ngày 16/4/1965.

Lá thư gửi tới Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, nguyên văn: “Kính gửi Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi xin gửi tới các đồng chí đơn xin nhập ngũ của hai con trai tôi, một con trai cả là Trần Quốc Ân, 26 tuổi, đảng viên, kỹ sư Tổng cục Địa chất, con trai bé là Trần Thắng Lợi 16 tuổi học sinh lớp 9. Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần