Việt Nam là một nền kinh tế lớn trong ASEAN
Xin ông cho biết những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tiếp tục gia tăng?
- Theo tôi, Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức lớn. Đầu tiên là nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm, điều này có thể thấy được khi đơn đặt hàng ở một số ngành sản xuất đã giảm mạnh. Tôi cảm nhận trong đầu năm 2023, tình hình sẽ khá khó khăn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, điều này sẽ tác động tới cả DN trong nước và FDI.
Vấn đề thứ hai là xu hướng gia tăng chi phí sản xuất. Chúng ta đã thấy chi phí vận tải và năng lượng tăng mạnh trong năm 2022, sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người, đặc biệt là các DN.
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các DN nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những DN lớn. Do đó, tôi khá lo lắng bởi nếu các DN không thể tạo ra lợi nhuận, họ sẽ không thể mở rộng kinh doanh hay đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Bản thân tôi sau nhiều cuộc gặp gỡ với các DN nước ngoài thì thấy họ đều có suy nghĩ chung rằng Việt Nam giờ đây đã không còn chỉ là một đất nước với chi phí lao động rẻ, mà còn là một quốc gia của sự bền vững, tăng trưởng và đầu tư.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany
Tôi cho rằng năm 2023 sẽ là thách thức lớn hơn so với năm 2022 khi thế giới còn nhiều bất định. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn với dòng vốn nước ngoài, vốn lâu nay được coi như một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Theo ông, những yếu tố nào giúp Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?
- Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế Việt Nam đã không ngừng tăng về quy mô với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Việt Nam hiện đã là một nền kinh tế lớn trong ASEAN và dự báo sẽ sớm có vị trí tương tự trong châu Á. Đối với các DN nước ngoài nói chung và đặc biệt là DN châu Âu, họ đều có quan điểm Việt Nam hiện đã trở thành một địa điểm đầu tư về lâu dài.
Năm 2022 Việt Nam đã chứng kiến nhiều dự án FDI quy mô lớn, trong đó điển hình là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego tại Bình Dương. Bên cạnh đó, đang có xu hướng đầu tư từ các công ty dược và hóa chất tại Việt Nam.
Điều này có lẽ đến từ sự ấn tượng của nhà đầu tư nước ngoài trước các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như cam kết đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế xanh. Tất nhiên quá trình này sẽ tạo ra những chi phí lớn nhưng nó cũng thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam, qua đó mang theo các công nghệ mới và tạo ra việc làm.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, logistics
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, cũng như các nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế thế giới?
- Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam theo hướng tăng cường thúc đẩy Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Hiện Việt Nam vẫn cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về giao thông và logistics. Việt Nam đang trở thành một phương án hấp dẫn đối với nhiều công ty áp dụng chính sách Trung Quốc +1, là một trong 5 địa điểm sản xuất lớn nhất thế giới.
Những trung tâm sản xuất toàn cầu hiện đang phân bố rải rác ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Với xu hướng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Covid-19 đã khiến chúng tôi hiểu ra nhiều điều, nhất là khi Trung Quốc hiện nay đang chiếm tới 80% hoạt động sản xuất của toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự đứt gãy nào cũng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các DN nước ngoài. Đó là lý do tại sao các DN phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tất nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đưa toàn bộ chuỗi cung ứng trở lại quốc gia của họ, mà sẽ chọn lựa khoảng từ 6 - 10 địa điểm để tổ chức các trung tâm sản xuất lớn. Do đó, trong trường hợp xuất hiện một cuộc khủng hoảng tương tự như Covid-19, chúng tôi có thể ngay lập tức tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Việt Nam hiện đang ở vị trí rất thuận lợi, điều này lý giải tại sao nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thậm chí triển vọng năm sau sẽ còn tốt hơn nhiều. Do đó, tôi khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là logistics, khi so sánh với các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu có thể giảm sút, Chính phủ Việt Nam nên tập trung đầu tư vào nền kinh tế nội địa và thúc đẩy hạ tầng, các hệ thống cảng và hoạt động trong lĩnh vực logistics, vốn đóng vai trò quan trọng cho chuỗi cung ứng. Để trở thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới, Việt Nam sẽ cần một lĩnh vực logistics phát triển xứng tầm.
Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam tiếp tục con đường phát triển trong thời gian tới?
- Theo tôi, vai trò của Chính phủ Việt Nam là rất quan trọng về khía cạnh thiết lập môi trường luật pháp và chính sách. Trong những năm qua, điều này đã được cải thiện rất nhiều, thể hiện ở xu hướng gia tăng vốn FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cũng trở nên hấp dẫn hơn nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là quá trình thực thi chính sách ở cấp địa phương. Điều này đến từ sự khác biệt trong nhận thức về diễn giải quy định pháp luật giữa các cấp, qua đó tạo kẽ hở cho các hoạt động vi phạm pháp luật, tham nhũng.
Tôi thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đang ngày càng mạnh tay trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đây là dấu hiệu tốt nhưng đồng thời cũng không nên để điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, với các nỗ lực nhằm làm đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, các quy định trở nên rõ ràng, minh bạch sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ tham nhũng. Tôi cho rằng môi trường pháp lý kinh doanh ở Việt Nam đang khá tương đồng với Indonesia hay Thái Lan nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa với Singapore.
EuroCham sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế như thế nào, thưa ông?
- Nếu có thể tiếp bước chuyển đổi số, xây dựng một nền kinh tế xanh, cách thức kinh doanh hiệu quả hơn với những chính sách tốt, Việt Nam sẽ là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới. Tại EuroCham, chúng tôi đang nỗ lực cùng Việt Nam hướng tới điều đó.
Trong thời gian qua, EuroCham đã có những cuộc thảo luận tích cực với chính quyền các cấp. Ở châu Âu, chúng tôi đã mất 30 năm để tạo dựng hệ thống chính sách hiệu quả và trong quá trình đó đã gặp phải nhiều sai sót. Chúng tôi mong muốn các bạn không phạm phải sai lầm tương tự và thông qua việc hợp tác cùng nhau, chúng tôi có thể giúp Việt Nam áp dụng các chính sách hợp lý, tăng cường thu hút FDI.
Tựu chung lại, chúng ta cần sự chung sức của tất cả các bên, đó là Chính phủ với vai trò thúc đẩy chính sách, các DN Nhà nước và tư nhân cần thay đổi thói quen vận hành hướng tới cách thức quản trị hiện đại hơn. Điều này là đặc biệt quan trọng khi khách hàng ở phương Tây và cả ở Việt Nam đang ngày càng trở nên khắt khe đối với vấn đề chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất.
Nếu thành công ở điểm này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu phát triển đã đặt ra. Với một tình yêu mãnh liệt đất nước Việt Nam và bản thân cũng là một người Việt Nam, tôi tin rằng nếu cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ đi đến đích.
Xin cảm ơn ông!