Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng: Giữa đại dịch, cần chung lòng và tự sửa mình

Xuân Ngũ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Là một trong nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đều trong thực trạng kiệt quệ vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tín hiệu kiểm soát dịch Covid-19 từ các cấp chính quyền địa phương đang cho thấy cơ hội hồi phục hoạt động của các doanh nghiệp đã tốt hơn. Cần làm gì để nắm bắt điều đó, là vấn đề đặt ra từ trao đổi của báo Kinh tế & Đô thị với ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng.

 Ông Phạm Bắc Bình
Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua tại Đà Nẵng?
Đến nay, sau thời gian dài phải chấp nhận phong tỏa, cách ly, kinh tế Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh thành nói chung đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng các doanh nghiệp Đà Nẵng, chẳng cần phải có thống kê số liệu nào cụ thể mới nắm bắt những khó khăn bế tắc. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa bàn thì càng kiệt quệ, và vừa rồi, gần như dừng hoạt động hết, chỉ còn một số đơn vị lớn ở khu công nghiệp là duy trì.
Tuy nhiên, phải thấy rằng hướng chống dịch Covid-19 được đưa ra là lựa chọn không thể khác được. Chính phủ vẫn phải chủ trương tiếp tục giãn cách nghiêm để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây nhiễm. Đà Nẵng là địa phương đã tổ chức tốt vấn đề này. Các tín hiệu ghi nhận đến nay cho thấy Đà Nẵng đang đi đúng hướng và hiệu quả.
Có hai điểm phải thấy từ Đà Nẵng. Thứ nhất là tiên phong. Đà Nẵng là địa phương khởi xuất nhiều giải pháp kiểm soát tình hình. Phiếu đi chợ, giấy đi đường, dùng flycam giám sát… đều xuất phát từ Đà Nẵng. Đến nay, áp dụng mã QR code vào giấy tờ cấp qua mạng, chuẩn bị áp dụng ''Thẻ xanh Covid'' sau đợt tiêm chủng lớn cũng do Đà Nẵng đề ra. Điều đó cho thấy, Thành phố luôn chủ động đưa công nghệ vào xử lý tình hình. Thứ hai, là huy động tối đa mọi nguồn lực chống dịch. Đà Nẵng thời gian qua có những kết quả vận động rất hay, mọi lực lượng đều tham gia. Công an, tổ dân phố… đều được huy động để phát huy sức mạnh.
Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cũng là một bộ phận tất yếu trong hướng hành động chung ấy, nên dù khó khăn, cũng vẫn chung lòng, chung sức, xác định hòa vào cuộc chiến chung mà hành động.
Như ông nói, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Đà Nẵng đang diễn tiến tốt, hứa hẹn cơ hội sớm mở cửa lại cho doanh nghiệp. Vậy theo ông, các doanh nghiệp cần có những hỗ trợ gì để nắm bắt cơ hội này?
Các doanh nghiệp sau thời gian phong tỏa, giãn cách đã kiệt quệ. Tôi cho rằng phải đến 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đà Nẵng bị tổn thương nặng nề. Nhưng chống dịch là yêu cầu cấp thiết và phải đồng hành với hướng đi này, không thể làm khác.
Mong mỏi của các doanh nghiệp đến nay là Đảng, chính phủ, các cấp chính quyền rút ra những ưu khuyết trong thời gian qua, có một quy trình chuẩn mực, hài hòa trên cả nước, chấm dứt tình trạng mỗi nơi làm mỗi cách. Cần lập một bộ quy tắc ứng xử, một quy trình chống dịch thống nhất mọi tỉnh thành, để những tình huống tiếp theo, tương tự, mọi người theo đó mà áp dụng, tránh bị hư hao nguồn lực và tổn thất lớn.
Tiếp đó, doanh nghiệp cần tháo gỡ những bế tắc, khó khăn, từ thuế phí, vốn vay, lãi suất ngân hàng… Những vấn đề này đã vượt khỏi tầm quyết định của Thành phố, cần có chỉ đạo chung của Trung ương mới giải quyết được. Qua đó, các doanh nghiệp mới có thể hồi phục và an lòng trở lại, tiếp tục đi theo các quyết sách mới, tín hiệu kiểm soát tốt hơn, như thẻ xanh vaccine, chủ trương khoanh vùng cách ly đúng các đối tượng cụ thể nhất…
Nhiều người cho rằng, dịch bệnh Covid-19 bên cạnh những ảnh hưởng tai hại, cũng tác động đến yêu cầu cần chuyển đổi tích cực trong cộng đồng xã hội, bắt con người nhìn ra những sai khuyết trong lịch trình phát triển. Ông nghĩ sao về điều này?
Nhìn nhận một cách tích cực, Covid-19 thật sự cũng là cơ hội để mỗi người, mỗi tổ chức phải rút ra bài học sửa mình. Với các doanh nghiệp, tác động Covid-19 càng khiến hoạt động lao đao, càng đặt ra câu hỏi tại sao và làm thế nào để không lặp lại ở tương lai. Doanh nghiệp cần rút ra bài học tự thay đổi, tự cơ cấu lại chính mình qua việc này.
Cụ thể, hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài đã buộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải xem lại cách kinh doanh, nên thích ứng với một môi trường biến động nhiều hơn. Lâu nay, doanh nghiệp chỉ lo đầu tư ngắn hạn, giờ phải tính đến nguồn dự phòng, khả năng dự trữ, phải biết cân đối nhân sự, thích ứng, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành. Các giải pháp tổ chức hiệu quả hơn, làm việc từ xa, làm việc theo nhóm tự túc… giờ đây nên được tính đến.
Chính từ đại dịch này, doanh nghiệp thấy rõ hơn mục tiêu đầu tư của mình, không đơn giản nắm bắt các cơ hội, xử lý các thách thức đơn giản nữa. Chỉ nói về độ kiên nhẫn, lập kế hoạch trường kỳ, đại dịch đã khiến các đơn vị không còn đơn giản đòi hỏi riêng quyền lợi của mình. Các doanh nghiệp tự nhiên thấy mình phải có trách nhiệm đồng hành chính quyền và cộng đồng, chấp nhận hy sinh, mừng rỡ thấy cơ hội mở cửa lại kinh doanh đã gần hơn, chứ không đơn thuần phàn nàn về thua thiệt trong dịch bệnh nữa.
Đó là những điều, theo tôi thấy, rất quan trọng, để các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhìn lại đại dịch để rút ra bài học sửa mình.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần