Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tư duy pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua hành động, thể hiện thống nhất quan điểm: quản trị quốc gia phải bằng pháp luật, không áp đặt chủ quan, mục tiêu là để phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960). (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tiếp nối tư tưởng của Người, Việt Nam đang bước những bước vững chắc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9 ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định quyết tâm đổi mới thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia.
Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền mang đậm tính dân chủ, nhân văn, khoa học và cách mạng. Đó là hệ thống quan điểm nhất quán, xuyên suốt từ nhận thức lý luận đến hành động thực tiễn, thể hiện trong suốt quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước pháp quyền kiểu mới đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Ngay từ ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng tư tưởng về quyền con người, quyền công dân và pháp quyền: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được…”
Trước khi có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để xử lý các vấn đề cấp thiết của đất nước, như: bãi bỏ thuế thân, lập bình dân học vụ, chuẩn bị tổ chức Tổng tuyển cử, thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (Sắc lệnh số 34-SL ngày 20/9/1945)...
Tư duy pháp quyền được Người thể hiện rõ nét qua hành động, thể hiện thống nhất quan điểm: quản trị quốc gia phải bằng pháp luật, không áp đặt chủ quan, mục tiêu là để phục vụ Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ là người đặt nền móng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo công cuộc lập pháp. Người hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (năm 1946 và 1959); trực tiếp ký, công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và hàng trăm văn bản dưới luật trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước.
Những văn bản này đã xây dựng nên một nền pháp lý khởi nguyên cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam, một nhà nước lấy “thượng tôn pháp luật” làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Đặc biệt, Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, là một văn kiện mang giá trị pháp lý, chính trị và tư tưởng vượt thời đại, trong đó, tư tưởng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” được khẳng định rất rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; “Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra cho Nhân dân phúc quyết.”
Trong các bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ” (2). Do đó, các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương “đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh…”
Để xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quy, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ quản lý hành chính ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197 thành lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam; năm 1950, Người ký Sắc lệnh số 76 ban hành “Quy chế công chức” để bảo đảm công bằng trong thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch bậc hành chính. Người yêu cầu tổ chức thi tuyển công chức phải dựa trên hiểu biết về chính trị, kinh tế, pháp luật, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ… để xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ hiệu quả.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng thể chế quản lý đất nước thông qua pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đức, có tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú ý đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ giác ngộ và chấp hành pháp luật của Nhân dân, đồng thời nhấn mạnh sự nêu gương của đội ngũ thực thi pháp luật.
Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc (tháng 1/1948), Người căn dặn: “Các bạn là những người thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho Nhân dân noi theo.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương mẫu mực trong việc thực hành thượng tôn pháp luật. Một ví dụ tiêu biểu là năm 1946, dù là nguyên thủ quốc gia, Người vẫn tự tay viết đơn xin Quốc hội cho phép vắng mặt trong một kỳ họp để đi công tác nước ngoài. Đây là hành động thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật ở mức cao nhất.
Ngoài ra, trong công việc hằng ngày, Người luôn căn dặn cán bộ phải dựa vào pháp luật mà làm việc, không được làm trái luật, không được lợi dụng quyền hạn để vi phạm pháp luật, xem đó là điều kiện cốt lõi để xây dựng một chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong sự nghiệp đổi mới
Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân tiếp tục là nền tảng lý luận cho quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ khi đất nước thống nhất đến nay, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 3 bản Hiến pháp (1980, 1992 và 2013).
Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ nguyên tắc “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ…” (Điều 2).
Đồng thời làm rõ nguyên lý tổ chức quyền lực nhà nước: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 8).
Cùng với đó, ý thức về vai trò quan trọng của luật pháp đối với sự phát triển của đất nước, ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Ban Bí thư về việc triển khai tình hình lấy ý kiến nhân dân, các ngành, cấp về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sau 20 năm thực hiện, hệ thống pháp luật nước ta đã có bước chuyển quan trọng sang hệ thống pháp luật của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Việc ban hành nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh đã tạo khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống đất nước và đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.”
Trong số đó mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; Nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mới đây, trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, tại kỳ họp thứ 9 ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 195/2025/QH15, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch.
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6/5 đến 5/6/2025.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập và quản trị quốc gia trong bối cảnh mới, mà còn là sự hiện thực hóa mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước đặt dưới pháp luật, vì lợi ích tối cao của Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong bài viết "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình," Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, “một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển.”
Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận sâu sắc và toàn diện cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ bước đi đầu tiên của Người trong việc kiến thiết pháp luật đến những bước đổi mới thể chế ngày nay đều cho thấy sự nhất quán trong việc xây dựng một nhà nước thượng tôn pháp luật, phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của dân tộc.
Đây chính là con đường bền vững để Việt Nam giữ vững ổn định chính trị, công bằng xã hội, hiện đại hóa đất nước, thực hiện khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.

60 năm trước, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc
Ngày 10/5/1965, trong lúc đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh miền Bắc, giữa muôn trùng lo toan vì nước, vì dân, cảm thấy mình “không được khỏe như mấy năm trước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng.

“Những nét vẽ từ trái tim” – khắc họa phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ
Kinhtedothi - Bộ phim “Những nét vẽ từ trái tim” là một tác phẩm điện ảnh giàu ý nghĩa, phản ánh những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các bức tranh tiêu biểu.

Nghệ An: Khai mạc Lễ hội Làng Sen và khánh thành Tượng đài Bác Hồ về thăm quê
Kinhtedothi - Tối 15/5, tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025 và khánh thành Tượng đài Bác Hồ về thăm quê.