Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Chính phủ nên cân đối cho cả doanh nghiệp vay gói 2.000 tỷ đồng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 và quý I/2020, Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 NH thương mại, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank do NH Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội (NƠXH).

Sau khi Nghị quyết được ban hành, nhiều ý kiến bàn luận về việc sử dụng gói hỗ trợ này như thế nào, chỉ nên dành riêng cho người vay mua NƠXH hay nên cân đối thêm đối tượng vay là các DN phát triển dự án NƠXH... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu.
Thưa ông, trong lúc NƠXH đang gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến cho khó khăn chồng thêm khó khăn. Đúng thời điểm này, Chính phủ đã quyết định bổ sung gói tài chính 3.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH. Ông có đánh giá thế nào về quyết định này?
- Có thể nói đây là một quyết định hết sức tuyệt vời, một tin không thể vui hơn trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Nói về vấn đề thực thi chính sách NƠXH theo Luật nhà ở năm 2014, thì từ khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 là chúng ta gần như không thực hiện được, mà nguyên nhân của nó là thiếu nguồn tái cấp vốn từ ngân sách.
Nghị quyết 1023/2015 của Ủy ban thường vụ quốc hội (UBTV QH) đã quyết định 21 chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng vốn trung hạn trong giai đoạn 2015 - 2020, thì không có cho chương trình NƠXH, vì thế không có ngân sách để chi.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.
Nhưng thực tế trong giai đoạn 2015 - 2020, Chính phủ vẫn bố trí nguồn ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách NƠXH. Vì sao lại nói là không có ngân sách để chi?
- Sau khi Quyết định 1023 được ban hành, HoREA cùng Bộ Xây dựng liên tục đề xuất với UBTV QH và Chính phủ về vấn đề này. Đến tháng 4/2017 thì UBTV QH, đã ký một văn bản rà soát lại nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2015 - 2020, trong đó sử dụng nguồn ngân sách 2.000 tỷ đồng bố trí cho NH CSXH, giao nhiệm vụ cho NH này hỗ trợ cho hai nhóm: Một là cho những người có công với cách mạng (khoảng 800 tỷ đồng); phần còn lại (trên 1.200 tỷ đồng) để thực hiện chính sách NƠXH cho người vay mua nhà.
Nhưng mà NH CSXH lần đầu thực hiện chính sách này nên họ rất lúng túng, đưa ra rất nhiều văn bản không hợp lý và thực tiễn ngân sách giót vốn cho họ cũng rất nhỏ giọt. Mãi đến cuối năm 2019 mới có 500 tỷ đồng trong số 1.262 tỷ đồng được cấp và họ chỉ phân bổ cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi là 10 tỷ đồng. Nếu NƠXH theo giá cũ khoảng 1 tỷ đồng/căn, người mua được vay mua khoảng 70% thì chỉ giải quyết cho hơn chục người vay là hết.
Việc Chính phủ quyết định bổ sung gói tài chính 3.000 tỷ đồng, trong đó 2/3 là phân bổ cho NH thương mại để thực hiện chính sách NƠXH sẽ mang đến những điều tích cực như thế nào?
- Theo tổng kết của Bộ Xây dựng gói tài chính 30.000 tỷ đồng dùng làm ngân sách cho NƠXH giai đoạn 2014 - 2016, thì các NH thương mại thực hiện với hiệu quả rất cao, cứ 1 đồng vốn của Nhà nước thì huy động được thêm 33 đồng vốn của xã hội. Trong khi đó, NH CSXH họ chỉ cam kết 1 đồng vốn ngân sách chỉ huy động thêm 1 đồng vốn xã hội, các quyết định về cấp bù vốn cho NH CSXH gần như không đi vào cuộc sống.
Với gói ngân sách 2.000 tỷ đồng lần này phân bổ cho NH thương mại, theo như con số mà Bộ Xây dựng thống kê thì dự kiến họ sẽ huy động được thêm từ 60 - 66 nghìn tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách NƠXH, một lượng tiền vô cùng lớn để có thể giải quyết được những khó khăn vốn đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Chính phủ nên cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ cho các DN phát triển dự án nhà ở xã hội được vay. (Ảnh: Doãn Thành).

Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về chính sách NƠXH giai đoạn 2015 - 2020 thì không cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay, mà chỉ người mua nhà mới được vay. Vậy vấn đề đặt ra là sẽ sử dụng nguồn vốn huy động lớn như vậy thế nào cho hợp lý, thưa ông?
- Đây chính là hạn chế lớn nhất của Nghị định 100/2015, vì nếu không cho DN vay thì lấy đâu ra nguồn hàng mà cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới đưa ra khung là 2.000 tỷ đồng này để dùng cho người vay mua NƠXH, chưa nói rõ ràng có cho chủ đầu tư dự án vay hay không. Nếu nói theo luật thì NH thương mại được quyền cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay, nếu không có quy định khác thì bốn NH thương mại được cho vay với cả hai đối tượng này.
Như vậy sẽ xảy ra câu chuyện phân chia tỷ lệ như thế nào đối với DN và người mua nhà. Chẳng hạn như gói 30.000 tỷ đồng phân bổ theo tỉ lệ 70% cho người vay mua nhà và 30% cho DN phát triển dự án. Chúng tôi cũng đề xuất nên lấy tỷ lệ này để đảm bảo gói hỗ trợ phần lớn sẽ đến được tay người tiêu dùng, còn phần kia là để hỗ trợ cho DN.
Nhưng trong giai đoạn này (tính đến hết năm 2020), Chính phủ có thể sử dụng toàn bộ gói 2.000 tỷ trong NH thương mại để cho người vay mua NƠXH. Nhưng về lâu dài, Chính phủ cũng nên xác định tỷ lệ từ nguồn tái cấp vốn này sẽ có sự phân bổ một phần dành cho DN, một phần dành cho người mua nhà tương tự như quy định của gói 30.000 tỷ đồng trước đây, như vậy sẽ hợp lý hơn.
Thực tế thì Nghị định 100/2015 cũng chỉ quy định trong giai đoạn 2015 - 2020 thôi, từ năm 2021 trở đi thì Chính phủ nên xem xét sửa đổi quy định này cho cả DN được vay, như vậy sẽ phù hợp với thực tế.
Xin cảm ơn ông!