Công tác xây dựng nông thôn mới còn khó khăn
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, năm 2017, tổng giá trị sản suất của huyện đạt 23.794 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất: Nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm 40,6%; Nông, lâm nghiệp chiếm 37,8%; Công nghiệp – xây dựng chiếm 21,6%. Huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn (NTM) mới năm 2017, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 13 xã, bằng 43,3% số xã trên toàn huyện.Huyện đã hoàn thành công tác đăng ký đất đai, cấp GCN QSD đất theo chỉ đạo của TP. Chỉ đạo công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, thu gom, xử lý 18.600 tấn rác thải, đạt 87% khối lượng phát sinh. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 100%, trong đó nước sạch 47% (kế hoạch 45%).Tuy nhiên, huyện còn 1 chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom rác thải trong ngày chưa đạt. Việc huy động nguồn lực tại địa phương, công tác tạo nguồn vốn cho công tác xây dựng NTM còn khó khăn. Tình trạng vi phạm luật đất đai, trật tự xây dựng, vi phạm đê điều còn diễn ra ở một số nơi. Còn hiện tượng tái lấn chiếm hành lang ATGT sau khi được giải tỏa.Tiến độ GPMB một số dự án chậm. Xử lý môi trường trong chăn nuôi còn hạn chế, dẫn đến ô nhiễm một số nơi. Thực hiện kỷ cương hành chính từ cấp huyện đến cấp xã còn một số đơn vị, cán bộ công chức chưa nghiêm, chưa chấp hành chế độ báo cáo, chưa đi họp đúng giờ. Ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra.Trong 3 tháng đầu năm 2018, huyện Ba Vì đã hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ xuân năm 2018, tổng diện tích lúa xuân đạt 6.600 ha, bằng 102% kế hoạch. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 52.970 triệu đồng, bằng 23% kế hoạch năm. Chỉ đạo hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo là 843 nhà, trong đó xây mới 431 nhà, sửa chữa 412 nhà với tổng kinh phí 31,580 tỷ đồng. Tình hình an ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.
Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trungTrong năm 2018, huyện Ba Vì tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học; từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển chăn nuôi thế mạnh của huyện như bò lai BBB, bò sữa, gia cầm, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào các khu du lịch, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đầu tư xây dựng, kiên cố hóa, trang thiết bị cho các trường học, trạm y tế xã. Hoàn thiện xây dựng 4 trường chuẩn quốc gia năm 2018…Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, huyện Ba Vì đã đề xuất 6 nhóm nội dung. Trong đó, kiến nghị với TP đẩy nhanh tiến độ quy hoạch khu du lịch quốc gia núi Ba Vì – hồ Suối Hai, đồng thời giới thiệu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực; hỗ trợ thực hiện công tác dân tộc, miền núi; về cơ chế chính sách, quản lý đất đai; đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, trong đó hỗ trợ kinh phí cho dự án vùng bãi rác xã Tản Linh đang xây dựng, phê duyệt điều chỉnh bổ sung tổng mức đầu tư dự án tái định cư và di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí xây trường đạt chuẩn quốc gia; sửa chữa 10/31 trạm y tế xã.
Trồng rừng kết hợp phát triển du lịchQua nghe 16 ý kiến của sở ngành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá năm 2017, và 3 tháng đầu năm 2018, Ba Vì đã thực hiện tốt các chỉ đạo của lãnh đạo TP; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo và người có công; công tác cải cách hành chính có tiến bộ; cấp “sổ đỏ” đạt kết quả cao; An ninh quốc phòng, ANTT được đảm bảo, công tác quân sự tại địa phương được hoàn thành.Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ rõ Ba Vì còn một số tồn tại như: Khai thác cát trái phép còn phức tạp ở địa bàn giáp ranh; lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp; thu gom rác thải chưa đạt…Trong mặt bằng chung của TP, huyện còn chậm, thu ngân sách thấp nhất, tỷ lệ người nghèo cao (4,8%), tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất (10,75%), số trường chuẩn thấp nhất (32/112 trường đạt chuẩn); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao (10,4%); còn nhiều điểm nóng... “Ngân sách huyện một năm bằng khoảng 30% một tỉnh lân cận, chi tiêu hơn 1.000 tỷ một năm nhưng tại sao vẫn chưa đạt hiệu quả phát triển KTXH cần thiết? Cần nhìn rõ thách thức, có giải pháp cụ thể, lựa chọn đầu tư thế nào để hiệu quả?” – Chủ tịch UBND TP phân tích.Từ những khó khăn trên và các đề xuất của huyện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu 19 vấn đề. Trong đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị lãnh đạo huyện tập trung thực hiện tốt 17 chỉ tiêu KTXH 2018. Đảm bảo đúng lộ trình tiến độ. Cần chú ý quản lý chặt chẽ chi ngân sách; đôn đốc thực hiện thu ngân sách khi TP đã cho cơ chế đấu giá đất. Huyện cần xem lại năng lực BQL dự án, đảm bảo hiệu quả các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công… Đề nghị huyện tiếp tục chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số ở 7 xã theo tinh thần: Làm đúng, làm đủ, hiệu quả không sử dụng tiền sai mục đích.Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở huyện cần chú trọng các mô hình phát triển về chăn nuôi bò BBB, bò sữa đảm bảo chất lượng. Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề, năm ngoái có tình trạng người dân phản ánh bị ép giá sữa khi công ty thu mua cho rằng sữa không đảm bảo chất lượng. Vì vậy Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở NNPTNT và Trung tâm xúc tiến đầu tư phải có chuyên gia kiểm soát quy trình kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ đào tạo kiến thức của người dân, nhất là kỹ thuật vắt sữa, chất lượng bình thu gom sữa để đảm bảo năng suất tốt.Về việc hỗ trợ 6.000 hộ dân thoát nghèo, Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề, chính Chủ tịch các xã phải xây dựng quy hoạch các nhóm hộ tổ chức mô hình chăn nuôi. Bên cạnh đó, thay vì việc chỉ cho vay không tính lãi, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo huyện chi 50 tỷ mua 2.500 con bò cho 2.500 hộ, cùng với hỗ trợ đào tạo nghề để thiết thực hỗ trợ người dân. Các xã phải thông tin đầy đủ với người dân, để người dân lựa chọn mô hình. Đồng thời, Sở NNPTNT chủ trì xây dựng đề án để TP hỗ trợ.“Huyện cần tổ chức cho vay tiền theo hộ, theo nhóm, trồng rừng kết hợp du lịch để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện” – Chủ tịch UBND TP chỉ rõ. Đồng thời, yêu cầu Sở KHĐT phải có trách nhiệm kêu gọi đầu tư. TP sẽ chịu trách nhiệm xem xét đầu tư tại khu vực Suối Hai. Sở KHĐT, Sở TNMT, Sở Du lịch khảo sát các mỏ nước khoáng đã bị để lãng phí trong suốt thời gian qua, biến đây thành khu du lịch.Đối với những vùng đồi trống, Chủ tịch UBND TP đề nghị sở NNPTNT cùng Ban quản lý rừng đặc dụng Ba Vì vận động nhân dân trồng rừng. Đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh về rau sạch, phục vụ du lịch, cung cấp cho chính thị trường trên địa bàn TP.TP đã đặt ra mục đích cấp nước sạch cho toàn bộ người dân vùng nông thôn. Chủ tịch đề nghị Sở Xây dựng sớm hoàn thiện để mở rộng nhà máy nước mặt. Sở Tài chính hướng dẫn nhà đầu tư, và có các cách thức vận động người dân dùng nước sạch để nâng cao sức khỏe.
Giải quyết dứt điểm những vi phạmVới vấn đề lấn chiếm đất đai vẫn còn “nóng”, Chủ tịch UBND TP nêu rõ huyện phải rà soát tất cả các khu vực lấn chiếm, quy trách nhiệm cho Bí thư, Chủ tịch xã, Trưởng Công an xã để giải quyết dứt điểm những vi phạm; quản lý chặt chẽ rừng. Nhắc nhở Ba Vì cần cương quyết xử lý việc khai thác cát trái phép, Chủ tịch UBND TP đặt câu hỏi: “Tình trạng khai thác cát trái phép mà báo chí đã nêu, Chủ tịch xã có biết không? Phải xử lý nghiêm, quản lý chặt chẽ tài nguyên”.Về công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP yêu cầu huyện phối hợp với Sở TTTT để nâng DVCTT lên mức độ 3,4. Sở Nội vụ quan tâm công tác đào tạo cán bộ công chức; rà soát, sắp xếp hợp lý các đơn vị sự nghiệp, xây dựng đề án vị trí việc làm; đôn đốc các phó chủ tịch, chủ tịch xã đi học lớp tập huấn.Trong công tác giải quyết đơn thư KNTC, Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện cần đôn đốc công tác tiếp dân, nhất là những vấn đề bức xúc về đất đai và môi trường thì phải giải quyết dứt điểm, không để khiếu kiện vượt cấp.Đối với công tác giải ngân, Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án để đảm bảo giải ngân 95%, tập trung đôn đốc thanh quyết toán các dự án, nhất là 4 dự án giao thông phải hoàn thành và đảm bảo đúng tiến độ.Trong công tác xây dựng NTM, Chủ tịch UBND TP yêu cầu huyện có báo cáo đánh giá cụ thể với BCĐ chương trình 02 của Thành ủy, nêu rõ các tiêu chí còn nợ để TP nghiên cứu để bố trí nguồn lực hỗ trợ, “nếu không tỷ lệ này sẽ kéo tụt các chỉ tiêu của TP xuống”.Về giáo dục, hiện nay Ba Vì còn 80 trường chưa đạt chuẩn. TP đồng ý chi ngân sách và giao cho Ban quản lý dự án các công trình NN của huyện chủ trì cùng sở GDĐT khảo sát tất cả các điểm trường, 80 trường chưa đạt chuẩn cần được xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa, nâng cấp và đấu thầu tổng thể. Đồng thời, chủ động vận động giáo viên các trường để trồng cây xanh trong khuôn viên trường, tạo cảnh quan.Đối với 27 dự án hoàn thành chưa quyết toán, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở KHĐT chủ trì, đôn đốc và có báo cáo cụ thể trước 20/4. Đồng thời, rà soát các chương trình xây dựng NTM về nợ đọng XDCB và phải xử lý xong trong năm nay.Về y tế, phối hợp với Ban Quản lý các công trình VHXH sẽ sửa chữa nâng cấp bệnh viện huyện Ba Vì. Về giao thông, đề nghị sở GTVT giao cho Công ty vận tải khảo sát các khu dân cư để kết nối đường, hỗ trợ người dân trong đi lại; hoàn thành 4 tuyến đường; khảo sát toàn bộ các tuyến đường liên xã mà chưa có hệ thống chiếu sáng, tạo thuận tiện trong đi lại cho người dân. Về một số đề xuất của huyện, TP đồng ý chi toàn bộ kinh phí để di dời dân vùng 500m bị ảnh hưởng bởi khu nhà máy xử lý rác Xuân Sơn. Đồng ý tạm ứng từ quỹ đầu tư cho huyện cho bồi thường GPMB phục vụ di dân để xây dựng hạ tầng trường kỹ thuật công binh – Bộ Quốc phòng.Chủ tịch UBND TP đề nghị lãnh đạo huyện, xã đôn đốc công tác tổng kết giữa nhiệm kỳ, 10 năm sau hợp nhất TP, đánh giá những mặt được chưa được để đề ra giải pháp. Ngoài ra, huyện cần tập trung thực hiện các mặt công tác lớn của Thành ủy, trong đó có công tác cán bộ; tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện vừa trang trọng, vừa tiết kiệm.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP đã thăm và làm việc tại Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì. Nhà máy có diện tích 4.000m3, sử dụng công nghệ hiện đại, khai thác nước mặt sông Đà, cho sản phẩm nước sạch tiêu chuẩn, công suất 10.000m3/ngày/đêm, dự kiến đến năm 2030 sẽ nâng công suất lên 60.000 m3/ngày/đêm. Phạm vi cấp nước của nhà máy là các xã: Vật Lại, Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Đồng Thái, Chu Minh, Đông Quang. Đến năm 2020, nhà máy sẽ cấp nước cho 23 xã trên địa bàn huyện. Hiện tại, nhà máy đã đi vào khai thác sử dụng, cấp nước cho 6.700 hộ dân.Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo, kỹ sư, công nhân của nhà máy vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống kỹ thuật hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch theo công suất, chủ động phục vụ nhân dân; tuyên truyền để người dân không sử dụng nước ngầm do không đảm bảo chất lượng…