Ngày 1/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo tình hình dịch bệnh, ý kiến thảo luận của các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các quận, huyện, kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định với tốc độ lây lan dịch bệnh như hiện nay, chỉ trong vòng vài ba ngày tới, thế giới sẽ ghi nhận 1 triệu ca mắc.
Đáng lưu ý, đã có trường hợp trẻ 11, 13 tuổi tử vong. Nhiều cán bộ y tế, bác sĩ tham gia vào công tác phòng chống dịch trên thế giới bị nhiễm hoặc tử vong vì COVID-19. Qua đó, các quận huyện trên địa bàn TP cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, vật tư y tế, trang bị kiến thức và thiết bị đầy đủ cho cán bộ y tế trên mặt trận tuyến đầu chống dịch.
Chủ tịch UBND TP nhận định, Hà Nội đang là nơi có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất cả nước, có mức độ lây nhiễm nguy hiểm nhất. “Sự nguy hiểm của lây lan dịch bệnh xuất phát từ 56 trường hợp dương tính từ nội địa TP, chứ không phải ở số phát hiện từ sân bay” – Chủ tịch UBND TP nói. Trong đó, nguy cơ lớn nhất từ ổ dịch Công ty Trường Sinh, khoa dinh dưỡng BV Bạch Mai bởi đã có 37 trường hợp dương tính với Covid-19, trong số đó đã có những trường hợp F2 trở thành F0.
Rút kinh nghiệm từ BV Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP yêu cầu trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải chú ý nguồn gốc lây bệnh để có phản ứng nhanh và kịp thời hơn; phải rà soát các công ty cung cấp thực phẩm trên các BV thành phố để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Hiện nay, TP đang cơ bản rà soát kỹ các trường hợp có yếu tố liên quan đến BV Bạch Mai. Bởi theo nghiên cứu của CDC Trung Quốc, có 65% người mắc COVID-19 không có biểu hiện khác thường. “Chính vì vậy, chúng ta phải thực hiện biện pháp cách ly xã hội để tránh lây lan trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch theo từng “đốm nhỏ”, không để bùng phát dịch” – Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP khẳng định, 2 nguồn lây nhiễm có nguy cơ cao là từ BV Bạch Mai và từ nhóm người nước ngoài và công dân Việt Nam về thì TP đang kiểm soát tốt, vẫn đang làm chủ tình hình. Trong đó TP đang triển khai xét nghiệm nhanh trên diện rộng để kịp thời phát hiện ca nhiễm ngoài xã hội. Đây là biện pháp hữu hiệu để nhanh chóng phát hiện được nguồn gốc dịch bệnh, từ đó chúng ta có những biện pháp mạnh mẽ hơn, xác minh nhanh hơn để “chặn đứng” nguy cơ lây lan.
Chúng ta đã có những bước đi rất quan trọng như cho học sinh nghỉ học, hạn chế tập trung đông người, hội họp, sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, với lưu lượng người như hiện nay thì nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn lớn. Đồng thời cho rằng, biện pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là cách ly, tránh giao tiếp.
Chủ tịch UBND TP thông tin, các chuyên gia Bỉ đã cảnh bảo rằng, nếu chỉ cần một bộ phận nhỏ (khoảng 10% dân số) không hợp tác, có thể nâng tỷ lệ lây nhiễm từ 30% - 60% dân số. Nếu chỉ cần 40% dân số không hợp tác, thì việc phong tỏa TP sẽ không có giá trị. Chính vì thế, công tác đôn đốc, giám sát để người dân thực hiện tốt việc cách ly tại nhà là giải pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. |
Nhận định dịch Covid-19 đang là kẻ thù chung của cả nhân loại, Chủ tịch UBND TP đề nghị các thành viên trong Ban chỉ đạo phải thường xuyên tập hợp kinh nghiệm các nước để có biện pháp hiệu quả nhất. Giao nhiệm vụ các công việc cụ thể cho các đơn vị, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tuyên truyền đến toàn bộ hệ thống chính trị, người dân về ứng dụng Hanoi Smart City. Ứng dụng sẽ tự động cảnh báo cho chính quyền những trường hợp nghi nhiễm; các trường hợp cách ly đủ 14 ngày sẽ tự động được gỡ bỏ.
Chủ tịch UBND TP cũng tiếp tục yêu cầu các quận, huyện, tổ dân phố, các khu chung cư tiếp tục rà soát những người có yếu tố liên quan đến BV Bạch Mai, số người nước ngoài liên quan đến các ổ dịch. Các đội phản ứng nhanh tại địa phương khi tiếp nhận được thông tin từ các trường hợp cần khẩn trương tiến hành lấy mẫu và yêu cầu cách ly tại nhà.
Các trường hợp phát hiện dương tính qua test nhanh, cần chuyển ngay đến CDC để làm xét nghiệm, nếu dương tính mới đưa vào BV Nhiệt đới và xác định các F. Chủ tịch UBND TP nêu rõ, cần thành lập các bộ phận khám riêng dành cho các bệnh nhân nghi ngờ tại các BV.
CDC sẽ chuyển 100-150 test nhanh cho cách bệnh viện và đề nghị Sở Y tế có hướng dẫn để thực hiện và cập nhật các trường hợp nghi nhiễm lên hệ thống. Các trường hợp đã hết thời hạn cách ly tập trung cần tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà theo đúng hướng dẫn.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết từ mai (2/4), TP cũng sẽ triển khai lắp đặt các trạm test nhanh trên diện rộng để không chỉ xét nghiệm nhanh cho những trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai mà còn phục vụ cho người dân ở các quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông…
Đồng thời, đề nghị các địa phương triển khai cho người dân đăng ký trên ứng dụng để người dân đăng ký test nhanh, tránh tình trạng tụ tập đông người. Lãnh đạo TP nhấn mạnh, hiện Hà Nội chỉ có 300 máy thở/8 triệu dân. Do đó cần làm tốt công tác phòng ngừa, đồng thời khẳng định: “Thành bại do sự tham gia của người dân”.