Tọa đàm có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, các vị Đại sứ của 4 quốc gia Bắc Âu và các chuyên gia nổi tiếng trong và ngoài nước.
Học tập, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng mô hình xã hội
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Trong nhiều thập kỷ qua, mô hình xã hội Bắc Âu đã vừa có những kế tục, vừa có những chuyển đổi phù hợp để thích ứng với thế giới hiện đại, thể hiện sự ưu việt của một mô hình xã hội và có ý nghĩa tham khảo cho các nước trên thế giới.
Xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi toàn diện và sâu sắc trong hơn 3 thập kỷ đổi mới. Thành tựu đạt được rất đáng kể, song Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trên con đường phát triển phía trước.
Nhận thức được xu thế toàn cầu khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nổ ra, Việt Nam đã và đang vận dụng công nghệ số vào tiến trình phát triển đất nước. Xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh là một trong những chiến lược hàng đầu mà Việt Nam đặt ra. Khi vận dụng được dữ liệu, tri thức từ trường không gian số sẽ đem lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội tiệm cận với trình độ phát triển của Thế giới.
Từ nhu cầu cấp bách của thời đại, Tọa đàm được tổ chức với mong muốn giao lưu học thuật, trao đổi tri thức giữa các bên, cùng nhau đánh giá, phân tích những cơ hội và thách thức trong quá trình xây dựng mô hình xã hội. Đồng thời cùng nhau tư duy để điều chỉnh mô hình xã hội với đặc thù của các nước để phù hợp với sự phát triển của thế giới ngày nay.
"Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tham khảo nhiều ý kiến đa chiều từ các bạn và vận dụng một cách sâu sắc hơn, linh hoạt hơn trong tiến trình phát triển của đất nước, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước" - PGS. TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định.
Mô hình xã hội của Việt Nam có sự tham gia của người dân
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: Quá trình quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền Hà Nội đều cần có sự tham gia của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cung cấp thông tin làm rõ nội dung được hiệp hội, các quốc gia đang quan tâm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cấp khoảng 4.000 giấy phép cho các hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội hoạt động như: Hội cao tuổi, Hội khuyến học,...
Các tổ chức này đều có nhóm tổ chức đến tận phường, cụm dân cư để giám sát chính sách của Chính phủ và TP với nhóm đối tượng của họ. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị, đề xuất vào chính sách cho các đối tượng về hỗ trợ họ trong đào tạo nghề, kiến thức để giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phân tích, các chính sách an sinh xã hội của các nước Bắc Âu rất phát triển vì có nguồn lực tài chính dồi dào, song hành với trình độ phát triển xã hội và yêu cầu của người dân.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 1,16%, một số quận không có hộ nghèo. Người nghèo được hỗ trợ vay vốn để thoát nghèo, được đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định. Hằng năm cộng đồng doanh nghiệp, các hảo tâm đều có sự hỗ trợ cho người nghèo. Tất nhiên, tiêu chí này còn phụ thuộc và khả năng, tiềm lực kinh tế của Việt Nam, một đất nước phải trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: Chính sách của mỗi quốc gia thì phải gắn với đặc thù và từng giai đoạn phát triển của quốc gia đó. Tại Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán, Nhà nước đảm bảo cho mọi công dân đều có Tết; người già người nghèo, người có công, đối tượng yếu thế được quan tâm. Đặc biệt là những người cao tuổi đều được Chủ tịch nước tặng quà và gửi thư chúc mừng...
"Vật chất chỉ là một phần, sự quan tâm của cả xã hội tạo ra truyền thống tương thân tương ái, khích lệ tinh thần mọi đối tượng trong xã hội là điều vô cùng quan trọng" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, Việt Nam đang học tập các mô hình xã hội tiên tiến. Việc áp dụng các mô hình phải phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và được đại bộ phận người dân Việt Nam chấp nhận. Mọi giải pháp, mô hình đều phải hướng đến người dân.
Triển khai chiến lược quốc gia về số hóa
Thay mặt cho 4 nước Bắc Âu, Đại sứ Phần Lan - Ngài Kari Kahiluoto phát biểu: "Tất cả các nước Bắc Âu đều phụ thuộc chặt chẽ vào tự do thương mại quốc tế và một hệ thống điều hành hoạt động hiệu quả. Chúng tôi cũng phải đối mặt với những vấn đề nội tại như tình trạng già hóa dân số và tuổi nghỉ hưu kéo dài. Tuy nhiên, các xã hội Bắc Âu cũng sở hữu nhiều điều kiện tiên quyết thuận lợi trong công cuộc tìm kiếm các giải pháp bền vững nhờ các thể chế hiện tại luôn được điều chỉnh không ngừng để thích ứng với những thách thức thời đại".
Tất cả các quốc gia Bắc Âu đều đang trải qua quá trình triển khai các chiến lược quốc gia về số hóa. Các chính sách này đều tập trung vào xây dựng chính phủ điện tử, hỗ trợ tăng trưởng và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo an ninh số. Dù vậy, mỗi quốc gia đều có những vấn đề khó khăn riêng và phải giải quyết các vấn đề đó theo cách của mình.
Thông qua các bài trình bày của mình, các diễn giả nổi tiếng đến từ Bắc Âu đã cung cấp cho các đại biểu tham dự bức tranh tổng quan về việc các cơ quan hữu quan trong khu vực đã thực hiện các chiến lược số của quốc gia và của cả khu vực như thế nào, cũng như về các chủ thể liên quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của khu vực Bắc Âu.
Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ về những thách thức và bài học kinh nghiệm và khu vực Bắc Âu rút ra trong quá trình thay đổi để thích ứng với quá trình số hóa khi sự phát triển của kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng, thay đổi lối sống, phương thức kinh doanh, cách thức thực hiện dịch vụ công và phúc lợi xã hội.