Chiều 15/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo. Cùng dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý - Phó trưởng Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Phó trưởng Ban chỉ đạo.
Dịch tại thôn Hạ Lôi chưa lây sang thôn bên cạnh
Tại phiên họp, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, đến ngàỵ 15/4/2020 có 267 ca mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại Hà Nội có tổng số 114 ca mắc (51 trường hợp đã khỏi ra viện, 63 trường hợp đang điều trị.
Phát biểu tại điểm cầu huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Trọng cho biết, trên địa bàn xã Mê Linh có 611 trường hợp tiếp xúc F1, các xã khác có 131 trường hợp, chuyển các ly tập trung 708 người, còn 34 người đang chờ để chuyển đi cách ly. Tất các các trường hợp F2 đã được cách ly 14 ngày tại nhà.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo. |
Liên quan đến chợ qua Mê Linh, điều tra được 999 người, liên quan đến 18 xã thị trấn trong huyện, ban hành quyết định cách ly tại nhà 783 người, còn lại đang làm thủ tục điều tra và cách ly.
Tại xã Mê Linh đã lấy xét nghiệm 12.011 mẫu, trong đó tại Hạ Lôi 10.117, có kết quả chính thức 8.095 mẫu, còn lại 2.082 chờ kết quả. Tại thôn Liễu trì đã lấy 1.834 mẫu, như Giám đốc CDC vừa cho biết, toàn bộ mẫu thôn Liễu Trì đều âm tính.
Thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục rà soát các trường hợp F1, F2, người đi đến chợ hoa Mê Linh; phun thuốc khử trùng; đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân...
Xã Mê Linh thực hiện nghiêm việc cách ly, người dân tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, người dân nghiêm chỉnh thực hiện khai báo y tế với các trường hợp tiếp xúc F1, F2... Xã thực hiện phát thẻ đến các hộ gia đình, mỗi hộ được một người ra ngoài lấy nhu yếu phẩm. Xã cũng chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ, để bà con yên tâm cách ly.
Xã Mê Linh có 3 thôn, hiện 2 thôn đã được lấy mẫu xét nghiệm, còn 1 thôn Ấp Hạ với khoảng 800 nhân khẩu mong muốn được Thành phố lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm toàn xã được sàng lọc.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng thời gian tới, TP cần chuyển hướng công tác xét nghiệm. Ngoài xét nghiệm sớm các trường hợp nghi ngờ, cần phải điều tra nhanh các trường hợp F1, F2 thậm chí cả F3 để lập danh sách và lấy mẫu kịp thời.
Giám đốc CDC Hà Nội đề nghị các quận, huyện khi lấy được mẫu xét nghiệm thì gửi về CDC Hà Nội ngay trong ngày. “Thậm chí, gửi mẫu bất kể thời gian nào, 24/24, để triển khai xét nghiệm một cách nhanh nhất” – Ông Cảm nói.
Bên cạnh đó, TP sẽ có giám sát trọng điểm các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, sốt, đau họng, viêm phổi từ các cơ sở y tế cấp xã, phường cho đến thành phố. CDC Hà Nội sẽ giám sát các chùm ca bệnh có biểu hiện cúm, để chủ động đánh giá tình hình dịch, cũng như phát hiện sớm, khoanh vùng hiệu quả
Ông Cảm đề nghị các trung tâm y tế để ý các trường hợp viêm phổi nặng bởi có thể ngoài Covid-19 còn có nhiều tác nhân khác như cúm gia cầm. Thành phố cũng rà soát những người đến từ các ổ dịch, các khu cách ly tập trung ở địa phương khác mà chưa được xét nghiệm Covid-19 2 lần để xét nghiệm sàng lọc cho đủ 2 lần.
Về ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng cơ bản đã khoanh vùng và cách ly các trường hợp tiếp xúc tại đây. CDC Hà Nội đã lấy 1.830 mẫu tại thôn tiếp giáp – thôn Liễu Trì và đều có kết quả âm tính. “Bước đầu có thể đánh giá, dịch tại thôn Hạ Lôi chưa lây sang thôn bên cạnh”, ông Cảm cho hay.
“Chỉ khi nào người dân đồng lòng thực hiện thì chúng ta mới có khả năng dập dịch”
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh bằng các biện pháp quyết liệt, thực hiện nghiêm các ý kiến của T.Ư, trên địa bàn TP đã “làm phẳng đường lên cao” của các ca nhiễm. Sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và người dân Thủ đô đã khiến TP luôn làm chủ được diễn biến tình hình dịch bệnh.
Để thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận huyện tuyên truyền công khai, minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ, nhận thức rõ nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. “Chỉ khi nào người dân đồng lòng thực hiện thì chúng ta mới có khả năng dập dịch” – Chủ tịch UBND TP nói và lưu ý kể cả khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân vẫn cần giữ thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Xác định khâu rà soát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ là nhiệm vụ số 1, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các trường hợp này phải kịp thời cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, không được để trường hợp F1 nào tại các bệnh viện mà phải ở các khu cách ly tập trung.
Chủ tịch UBND TP giao cho Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, Công an TP tăng cường công tác kiểm tra các cửa hàng bán trang thiết bị y tế để kiểm soát không tăng giá. Sở Y tế và các quận huyện chủ động rà soát việc mua sắm trang thiết bị y tế, không để thất thoát. “Nếu để xảy ra trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này là có tội với dân, thậm chí mang tiếng với cộng đồng quốc tế” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và yêu cầu các quận huyện phải mời HĐND, Mặt trận tổ quốc giám sát các quy trình này.
Nhằm tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP giao Công an TP chủ trì, tiếp tục duy trì hoạt động của các chốt trực ở các cửa ngõ Thủ đô. Đặc biệt, phải tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang.
“Tuần này là thời điểm quyết định dịch bệnh có bùng phát hay không, các Ban chỉ đạo phải trực liên tục, kịp thời nắm bắt thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời” – Chủ tịch UBND TP nói.