Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hà Nội sẵn sàng cho Ngày hội non sông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai, 22/5, cùng với cử tri cả nước, cử tri Hà Nội sẽ chính thức đi bỏ phiếu, bầu ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hà Nội sẵn sàng cho Ngày hội non sông - Ảnh 1Trước ngày bầu cử, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với tinh thần khẩn trương, đúng luật, bài bản, khoa học, Hà Nội đã sẵn sàng cho ngày hội của non sông.

Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP (UBBC TP), theo bà, đâu là những điểm nhấn trong công tác triển khai cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Hà Nội?

- Với vị thế là Thủ đô của cả nước, địa bàn rộng và số cử tri đông, cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được TP xác định là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong sáu tháng đầu năm 2016. Hà Nội cũng là địa phương vào cuộc sớm nhất cả nước. Ngay sau khi có hướng dẫn của T.Ư, ngày 15/1, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và bầu cử ĐB HĐND các cấp của TP nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi. Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị triển khai mọi mặt công tác ở tất cả các cấp từ rất sớm, đúng quy định, quy trình của pháp luật, đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời. Mọi vướng mắc về bầu cử được giải quyết theo đúng đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Toàn TP có 4.873 khu vực bỏ phiếu, đã thành lập tại mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử. Các tiểu ban giúp việc của UBBC TP đều đã xây dựng và triển khai kế hoạch công tác theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan chức năng T.Ư, đảm bảo phục vụ tốt các công việc cho cuộc bầu cử. Đặc biệt, việc giải quyết đơn thư kịp thời, rà soát lý lịch, nhân thân ứng cử viên đươc Hà Nội rất coi trọng và luôn có sự chỉ đạo sâu sát để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Việc đảm bảo tốt an ninh, tổ chức kịp thời các đoàn kiểm tra, giám sát cũng là những điểm nhấn trong công tác triển khai. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã triển khai các công tác hiệp thương, tuyên truyền đảm bảo chất lượng, đúng quy định. Nhân sự được giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội và HĐND khóa mới đáp ứng các tiêu chuẩn, được cán bộ đảng viên và Nhân dân tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của người ĐB của Nhân dân. Hà Nội cũng đã hoàn thành chu đáo việc tổ chức tiếp xúc cử tri, để vận động bầu cử cho 50 ứng cử viên ĐB Quốc hội, 178 ứng cử viên ĐB HĐND TP, 1.897 ứng cử viên ĐB HĐND cấp quận, huyện, thị xã và 26.084 ứng cử ĐB HĐND cấp phường, xã, thị trấn. Các cuộc tiếp xúc được cử tri đánh giá cao bởi tinh thần cởi mở, dân chủ và thẳng thắn.

Các đoàn kiểm tra của Ủy ban bầu cử TP vừa tiến hành kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị bầu cử trên toàn địa bàn. Qua kiểm tra, bà đánh giá thế nào việc chuẩn bị cho ngày bầu cử tại các địa phương?

- Qua thực tế kiểm tra có thể thấy, các cơ sở đã chuẩn bị rất tốt và đảm bảo chu đáo các điều kiện cho ngày bầu cử. Đặc biệt, với những nơi phải đi mượn địa điểm, các địa phương cũng nỗ lực để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cử tri đến bỏ phiếu được thuận lợi, đó là điều được UBBC TP đánh giá cao. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử cũng được các địa phương lên kế hoạch chu đáo, dự phòng các phương án để xử lý kịp thời mọi diễn biến phức tạp, mọi hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.

Một điểm luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử. Ngoài các hình thức tuyên truyền chung, nhiều quận, huyện đã có những cách làm sáng tạo để thông tin về bầu cử đến được với sâu rộng mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn như  đã đưa vào các buổi sinh hoạt động đồng với hình thức gần gũi, sinh động... Tổ chức mạn đàm tiểu sử các ứng cử viên tại các tổ dân phố, khu dân cư, qua đó, để các cử tri nắm rõ tiểu sử, quá trình công tác, cơ cấu ĐB, để chọn lựa ĐB khi bầu chuẩn xác hơn. Có thể nói rằng, thông tin về bầu cử và các ứng cử viên đã đến được với mọi cử tri.

Hà Nội là nơi tập trung số lượng công nhân lớn, sinh viên các trường ĐH, các trung tâm xã hội… Vậy, Hà Nội làm thế nào để đảm bảo quyền bầu cử cho mọi thành phần cử tri trong ngày bầu cử, thưa bà?

- Tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể mà UBBC TP đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo từng giai đoạn và từng đối tượng. Đơn cử, TP đã giao LĐLĐ TP, Thành đoàn tổ chức chương trình đối thoại “Cử tri lần đầu đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp”, giao lưu đối thoại với công nhân các khu công nghiệp, chế xuất về công tác bầu cử và cử thành viên của Hội đồng bầu cử đến để trực tiếp trao đổi, giải quyết thắc mắc của các đối tượng. Trong công tác lập danh sách cử tri, UBBC các cấp cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các trường học, khu công nghiệp… để rà soát, lên danh sách cử tri chính xác và đúng luật. TP cũng đã sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đầy đủ, được cập nhật thường xuyên của công an TP để đảm bảo quyền lợi được đi bầu cử của các đối tượng cử tri mới theo quy định của luật

Ở các bệnh viện, các gia đình, với trường hợp cử tri không có khả năng bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu thì UBBC các quận, huyện sẽ sử dụng các hòm phiếu phụ (hòm phiếu di động) để đảm bảo quyền được bỏ phiếu của công dân. Đối với những bệnh nhân nặng, hòm phiếu sẽ được mang đến tận giường bệnh để cử tri được thực hiện quyền công dân. Tại các nhà ga, bến xe, chúng tôi cũng sẽ bố trí cán bộ hướng dẫn và các hòm phiếu phụ để tạo thuận tiện cho khách vãng lai.

Đến thời điểm này, thời gian để cử tri đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình chỉ còn tính bằng giờ, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng đã hoàn tất. Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, theo bà, còn những công việc gì cần lưu ý?

- Không lơi là, chủ quan, đó là quan điểm được lãnh đạo TP liên tục nhắn nhủ tới các cơ sở, các cán bộ làm công tác bầu cử. Mặc dù hiện mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã hoàn tất chu đáo, Hà Nội đã sẵn sàng cho ngày bầu cử, song TP luôn yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan, tổ chức hữu quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình rà soát chu đáo và làm tốt từng khâu, từng việc. Bảo đảm công tác bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số ĐB. Công tác tuyên truyền cũng sẽ tiếp tục được tăng cường dưới nhiều hình thức, đặc biệt là cổ động trực quan để tạo không khí vui tươi. TP cũng yêu cầu các tiểu ban an ninh trật tự các địa phương chủ động các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử. Thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, xử lý kịp thời các tình huống xấu làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội quyết tâm nỗ lực ở mức cao nhất để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thật sự là ngày hội của toàn dân.

Yếu tố quan trọng nhất làm nên cuộc thành công của cuộc bầu cử là cử tri, những người sẽ đi bỏ lá phiếu chọn ra những ĐB ưu tú nhất đại diện cho Nhân dân, bà có lời nhắn gửi gì tới cử tri Thủ đô trước ngày bầu cử?

- Đến thời điểm này, việc chuẩn bị của các cấp, các ngành đã hoàn tất, nhưng cuộc bầu cử có thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cử tri. Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ thực hiện quyền dân chủ mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước. Theo tôi, đi bầu cử vừa là nghĩa vụ, nhưng cũng là trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi người dân, khi được bỏ lá phiếu, xây dựng bộ máy chính quyền. Nếu không tự mình đi bỏ phiếu tức là công dân đã tự tước đi quyền làm chủ của mình. Cử tri đừng nên thờ ơ hoặc để người khác bầu thay, như thế là đã từ chối một trong những quyền rất quan trọng đã được hiến định và luật định, sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả cuộc bầu cử và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bản thân mình. Nhìn lại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, tôi thấy đó vẫn là một bài học sâu sắc về nhiều khía cạnh. Cuộc bầu cử lần này chỉ sau ngày sinh nhật Bác Hồ có 3 ngày. Với lòng tôn kính Bác Hồ, chúng ta hiểu sức mạnh của lá phiếu. Tôi hy vọng rằng, mỗi cử tri cần nhận thức sâu hơn về quyền công dân của mình để bỏ những lá phiếu thực chất, bầu ra những ĐB đủ đức, đủ tài, xứng đáng là người đại diện cho ý trí, nguyện vọng của cử tri và để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân.

Xin trân trọng cảm ơn bà!