Chủ tịch nước dự Lễ khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 15/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 và lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp

Tối 15/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành đã dự khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.

Tại buổi lễ,  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cùng cộng đồng người Chăm về niềm vinh dự, tự hào khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm, nghề thủ công truyền thống đầu tiên, trở thành di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam, được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm với những dụng cụ đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải…. Gốm Chăm đã tạo nên những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hay những sản phẩm mỹ nghệ.

Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có những nét độc đáo, riêng có, thể hiện sáng tạo, kỹ năng của mỗi phụ nữ Chăm được trao truyền thông qua thực hành, đồng thời là lăng kính phản chiếu cuộc sống cũng như những nét văn hóa hàng ngày và gửi gắm những khát vọng tươi đẹp của cộng đồng dân cư.

Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được ghi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp. 
Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được ghi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp. 

“Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận đóng góp của các thế hệ nghệ nhân, các hộ gia đình, cơ sở làm gốm Chăm và đồng bào dân tộc Chăm đã nỗ lực gìn giữ, trao truyền di sản quý báu này.

Đồng thời, biểu dương những nỗ lực UNESCO, bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, giúp đỡ quý báu để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được gìn giữ, ngày càng lan tỏa sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận; thu hút doanh nghiệp, khai mở tiềm năng du lịch, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển. Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Do đó, Ninh Thuận cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, liên kết công nghiệp, dịch vụ, đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hình thành các hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chủ động thích ứng với tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu các làn sóng đầu tư mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế dựa vào tri thức và những định hướng ưu tiên phát triển của địa phương.

Lễ khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp. 
Lễ khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp. 

Đặc biệt, Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, làm nền tảng để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, khát vọng cống hiến trong từng người dân, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận cần có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và cả trên không gian mạng.

Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đồng hành trong mọi bước đường phát triển của dân tộc, đóng góp và làm giàu cho văn hóa thế giới.

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, sớm đưa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm phát triển bền vững về mọi mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Bà Pauline Tamesis trao bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp 
Bà Pauline Tamesis trao bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp 

Dịp này, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên hiệp quốc, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp cho đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Sau lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo về khẩn cấp, các đại biểu dự lễ cùng bước vào không gian nghệ thuật qua Khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023.

Đây là Lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận được tổ chức 2 năm/1 lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc và tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.