Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe thăm Hoàng thành Thăng Long
Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, sáng 1/4, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã đón tiếp Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde trong chuyến tham quan Hoàng thành Thăng Long.
Đây là dịp để giới thiệu với bạn bè quốc tế về di sản văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội, đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cùng Vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde trước Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Việt Anh
Hoàng thành Thăng Long, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2010, là biểu tượng của lịch sử và văn hóa Đại Việt qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng. Trong chuyến tham quan, đoàn đã dừng chân tại nhiều điểm di tích nổi bật như Đoan Môn, hố khảo cổ, bậc rồng đá Điện Kính Thiên và nhà trưng bày Báu vật Hoàng cung Thăng Long.
Đoan Môn, được xây dựng từ thời Lý, là công trình kiến trúc hình chữ U với 5 vòm cổng, trong đó vòm chính giữa dành riêng cho nhà vua. Đây từng là nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của Hoàng thành, thể hiện quyền uy và sự tôn nghiêm của triều đình.
Tại hố khảo cổ phía sau cổng Đoan Môn, đoàn tìm hiểu về những phát hiện quan trọng qua các tầng văn hóa. Ở độ sâu 1,2m là đường viền đá gia cố chân tường và sân gạch vồ thời Lê Sơ, trong khi ở độ sâu 1,9m là đoạn đường lát gạch kiểu "hoa chanh" thời Trần, bên dưới còn lưu giữ những viên gạch từ thời Lý. Những hiện vật này không chỉ phản ánh kỹ thuật xây dựng tinh xảo của người xưa mà còn cho thấy sự liên tục trong phát triển kiến trúc qua các triều đại.
Điểm nhấn đặc biệt của chuyến tham quan là di tích Điện Kính Thiên, trái tim của Cấm thành Thăng Long xưa. Tại đây, đoàn chiêm ngưỡng thềm Rồng với đôi rồng đá được chạm khắc tinh xảo từ thế kỷ XV, biểu tượng cho quyền uy và sự trường tồn của vương triều. Những bậc đá cùng rồng chầu hai bên là minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao thời Lê Sơ, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.
Tại nhà trưng bày Báu vật Hoàng cung Thăng Long, đoàn thưởng lãm nhiều hiện vật quý được công nhận là "Bảo vật quốc gia", bao gồm đồ kim loại quý và gốm sứ cao cấp do các nghệ nhân chế tác để phục vụ hoàng tộc và quan lại triều đình. Những hiện vật này không chỉ thể hiện trình độ thủ công mỹ nghệ tinh xảo mà còn phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng của triều đình qua các thời kỳ.
Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc của Hoàng thành Thăng Long. Nhà vua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Chuyến tham quan không chỉ là dịp giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu Nhân dân, tạo nền tảng cho hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Trước đó, Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng ngày, Hoàng hậu Mathilde và phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng có chuyến tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, qua đó hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Chuyến thăm của Vua Bỉ và Hoàng hậu không chỉ khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Bỉ ngày càng phát triển bền vững.

Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Bỉ sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Kinhtedothi - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Nhà vua Philippe cùng Hoàng hậu Vương quốc Bỉ sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/3 đến ngày 4/4.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Brazil
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tại Hà Nội.