95 năm ngày thành lập đảng

Chủ tịch nước: sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Hồng Thái - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/2, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Lương Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ nhiều vấn đề về tổ chức bộ máy, về mong muốn TP Hồ Chí Minh phát triển bứt phá hơn nữa.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Phúc
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Phúc

Theo đó, về tổ chức bộ máy, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã sang năm thứ 8, chúng ta đã có sơ kết. Nhưng để đạt được mục đích đề ra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo Trung ương là phải làm sao để bộ máy của chúng ta tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Mục đích tổ chức sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy là bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ. Để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, hiện chúng ta còn những vướng mắc về thể chế. Liên quan Nghị quyết 18 của Trung ương có tới khoảng 5.000 luật, văn bản dưới luật, trong đó, có hơn 200 luật cần phải sửa đổi, bổ sung.

Do đó, kỳ họp lần này tập trung sửa đổi 4 luật: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và 5 Nghị quyết liên quan đến tổ chức, bộ máy để triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW. 

Phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Phúc
Phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Phúc

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm thực hiện, tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong toàn hệ thống chính trị, chúng ta phải cố gắng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng tất nhiên là phải có nguyên tắc giữ đất nước ổn định, phát triển ở tầm cao hơn.

Chúng ta cũng xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng. Thực tiễn vẫn còn nhiều điểm nghẽn, nhất là về thể chế. Với 2 luật thảo luận tại tổ sáng nay (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)), Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội là những người gắn với thực tiễn cơ sở góp ý để sửa Luật đáp ứng yêu cầu phải tốt hơn, mạnh hơn.

Theo Chủ tịch nước, năm 2025 sẽ điều chỉnh tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trở lên, từ sang năm tăng trưởng liên tục hai con số. Muốn vậy, chúng ta lại càng phải quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thể chế.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý đặc biệt tới TP Hồ Chí Minh, trung tâm lớn nhất của cả nước. TP chỉ tăng trưởng 1% thôi bằng các tỉnh khác tăng trưởng hàng chục % vì quy mô kinh tế của TP lớn. Vị trí của TP Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Cần xem thực tiễn TP có vướng mắc, khó khăn gì để tháo gỡ nhằm tăng tốc bứt phá, cất cánh, để TP thực sự là đầu tàu kinh tế và phát triển năng động nhất của cả nước. 

"Tương tự, Hà Nội hay Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương cũng vậy. Phải làm sao để đời sống của Nhân dân ổn định, có nhiều cải thiện. Thế mới là thành công chứ không phải chỉ mỗi kinh tế. Ngày xưa là mình ăn no mặc ấm mà bây giờ phải ăn ngon mặc đẹp” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quochoi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quochoi

Thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có nhiều điểm mới nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

“Với xu hướng sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan của Quốc hội như hiện nay, sẽ có những cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực rất lớn, rất rộng, khối lượng công việc sẽ rất nhiều. Do vậy, cần tính toán, phân chia chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc ban hành các biện pháp đặc thù nhằm giải quyết những vấn đề dân sinh của TP.

“Cùng với việc trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần mở rộng năng lực xây dựng chính sách cho chính quyền địa phương ở một số lĩnh vực nhất định” - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.