Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt
Theo các đại biểu, đầu tư 3 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1). Các dự án cao tốc sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với 2 dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”.
Phát biểu tại thảo luận tại tổ 12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 5 dự án được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp. Nếu cả khoá XIV chỉ có 1 dự án quan trọng quốc gia thì ngay Kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc Nam được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 2 thì ngay năm đầu của Khoá XV đã có 6 dự án quan trọng quốc gia. Với 5 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành tới 3 phiên làm việc (11,12/5 và 4/6) để quyết định các yếu tố thành phần về vốn để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội.
“Về chủ trương thì đúng như các đại biểu đã nói, không có gì phải bàn vì toàn là các dự án cấp bách, động lực, lan toả vùng, kết nối các địa phương. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng đã đồng ý về chủ trương. Vấn đề còn lại là cách thức làm thế nào, phương thức đầu tư ra sao, cơ chế chính sách đặc thù như thế nào để triển khai được thì giao cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu, triển khai. Phương án trình ban đầu rất khác so với phương án trình Quốc hội lần này”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội băn khoăn khi cho rằng có xu hướng mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án này, có thể dẫn đến những hệ luỵ phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ luỵ tiêu cực về quản lý, quản trị dự án, làm giảm hiệu quả dự án và không đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh quan điểm, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid – 19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này. Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt.
TP Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4
Chủ tịch Quốc hội phân tích cụ thể hơn: Luật Ngân sách nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tuỳ theo khả năng đóng góp của địa phương và cam kết của địa phương.
Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ là do Bộ GTVT quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống là do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông này được Quốc hội thông qua, một mình Bộ GTVT quản lý nhiều như vậy, chưa kể các dự án đang làm thì không thể làm hết được, do đó phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng tình hình cấp bách như hiện nay thì cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật”- Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo đó, Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 là giao hết cho các địa phương, TP Hồ Chí Minh làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 3, TP Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, khái niệm “cơ quan đầu mối" thế nào trong luật chưa có, nên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ làm rõ "đầu mối" như thế nào, trách nhiệm cụ thể ra sao để bảo đảm thực hiện từng đoạn nhưng vẫn thống nhất về quy chuẩn, vận hành trên toàn tuyến. Riêng với 3 dự án cao tốc thì có dự án đi qua nhiều tỉnh như Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột – Khánh Hoà thì vẫn giao cho Bộ GTVT phụ trách.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Xây dựng không cho phép tách dự án kiểu này, chỉ cho phép lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, kể cả tiểu dự án. Tuy vậy giai đoạn này không quá máy móc nên đã thống nhất xin Quốc hội cho cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính. “Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hoá được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý tăng ường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ luỵ xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm
Nguyên tắc HĐND tỉnh, thành phố ra nghị quyết và cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ phải có trách nhiệm cam kết với Quốc hội. Vốn nào ra vốn đó, cam kết phải có. Khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì Trung ương và địa phương cũng phải cam kết bỏ phần tương ứng để hoàn thành.
Không “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị trình 5 dự án này, có một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt được Chính phủ đề nghị nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý và đến nay, qua thảo luận tổ các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ví dụ, cơ chế cho phép Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu rồi cho địa phương vay lại. Luật Quản lý nợ công cấm vấn đề này vì như vậy nợ địa phương sẽ thành nợ công của Chính phủ và quan trọng hơn là có thể khiến địa phương không nỗ lực trả nợ.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với hồ sơ 5 dự án trình Quốc hội lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, cơ chế chính sách đặc thù nào chấp nhận được thì đều đã chấp nhận và trình Quốc hội.
Trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường Vành đai, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không nên đặt ra vì “đụng” nghị quyết Trung ương. Quốc hội cũng yêu cầu không cho dùng vào việc khác và Chính phủ cũng đang phải rà soát các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo.
“Nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần. Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho 1 năm trong khi phải chi hàng năm. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bày tỏ hoàn toàn nhất trí với vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra, đó là làm thế nào để tổ chức triển khai 5 dự án này cho khả thi, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, hồ sơ các dự án trình Quốc hội lần này đã có sự thay đổi rất lớn về thời hạn hoàn thành từng dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ưu tiên đặc biệt nhất về nguồn vốn và tiến độ đối với dự án đường Vành đai 3 để cơ bản hoàn thành trong năm 2025, quyết toán và đưa vào sử dụng trong năm 2026 vì dự án này không chỉ có ý nghĩa với miền Đông Nam Bộ mà còn cho cả miền Tây Nam Bộ nữa. 4 dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và Chính phủ cũng đã thống nhất giãn tiến độ ít nhất là 1 năm để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, không gây căng thẳng về nguồn vốn, đồng thời dành được một nguồn vốn nhất định của giai đoạn này để đầu tư cho một số dự án động lực của địa phương khác.