Ngày 28/7, dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai có những chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo cho Thành phố có một diện mạo mới, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Mở rộng địa giới hành chính giúp Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua bao thăng trầm với nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển của mỗi giai đoạn. Trước yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước trong tình hình mới, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, đây là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô Thủ đô lớn nhất từ trước tới nay.
Nhìn lại giai đoạn từ năm 2008 trở về trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Thủ đô Hà Nội mặc dù là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển, thì vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn, bất cập, như: sự bùng nổ về dân cư, sự phát triển đô thị quá tải, hạ tầng kỹ thuật và xã hội không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vai trò của một đô thị trung tâm còn hạn chế… Để khắc phục những bất cập này và để thực hiện được mục tiêu phát triển Hà Nội lâu dài, bền vững, thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có thêm không gian quy hoạch phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20 - 30 năm mà còn dài hơn nữa. Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp Thủ đô Hà Nội gắn với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh,… đem lại thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài.
Nỗ lực hoàn thành nhiều công việc lớn
Có thể thấy rằng, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương liên quan đã nhanh chóng tổ chức bàn giao và xác định địa giới hành chính mới; tập trung chuẩn bị tốt những việc về hợp nhất tổ chức để hình thành bộ máy lãnh đạo mới của thành phố sau khi thực hiện điều chỉnh, mở rộng. Trong thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh những yếu tố, điều kiện thuận lợi, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà thực tiễn đặt ra,... Nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng hoàn thành một khối lượng công việc lớn để phát triển Thủ đô như ngày hôm nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 15, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước được thể hiện qua việc xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội trong 7 lĩnh vực: quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai; kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội được quy định trong Luật Thủ đô, dự luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Các cơ chế đặc thù này là cơ sở, tiền đề quan trọng giúp Thủ đô ngày càng phát triển.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, những năm qua, kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, khẳng định vai trò là trung tâm lớn và là đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực,thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh,một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai có những chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo cho Thành phố có một diện mạo mới, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Cùng với phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thời gian qua, Hà Nội cũng rất quan tâm đến phát triển và xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của Thủ đô có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên; khoảng cách đời sống giữa khu vực đô thị và nông thôn dần được thu hẹp; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn và phát huy các di sản và giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm thực hiện. Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người, có quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo thuộc nhóm đầu của cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng luôn được quan tâm; giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, quốc phòng được tăng cường. Các hoạt động đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế được đẩy mạnh; nhiều hội nghị kêu gọi, thu hút đầu tư được tổ chức giúp Hà Nội mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều địa phương, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Thủ đô cả ở trong nước, cũng như khu vực và trên thế giới.
Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động có chuyển biến tích cực. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang dần được đẩy lùi. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên, góp phần làm cho nhân dân Thủ đô thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, vào năng lực chỉ đạo, tổ chức, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành của Thành phố.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng. Các Nghị quyết của Đảng được thực hiện với tinh thần nghiêm túc, chủ động và cách làm sáng tạo, bước đầu đem lại những kết quả tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận. Các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, chuẩn bị chu đáo và sớm ổn định bộ máy, kịp thời thống nhất các cơ chế, chính sách để Hà Nội tổ chức hoạt động bình thường ngay từ những ngày đầu hợp nhất. Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo Thành phố, lựa chọn những việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo và xử lý kịp thời, có hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng.
Với những thành tựu to lớn, nhất là trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủghi nhận, biểu dươngbằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Và hôm nay, tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, Thủ đô Hà Nội một lần nữa vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất - phần thưởng cao quý, niềm vinh dự to lớn, nguồn cổ vũ, động viên tinh thần quý báu - góp phần làm vẻ vang thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô.
Không chủ quan, bằng lòng với những kết quả đã đạt được
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh tinh thần cầu thị, nghiêm túc tự phê bình, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của lãnh đạo Thành phố, thẳng thắn chỉ ra những sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, như phát biểu của đồng chí chủ tịch UBND thành phố vừa nêu. Đồng thời, lưu ý, các cấp, các ngành của Hà Nội, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền Thành phố không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đạt được mà cần nghiêm túc phân tích, làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm, để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời.
Để phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, thống nhất để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, Chủ tịch Quốc hội có một số ý kiến đề nghị Hà Nội quan tâm như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp của Thành phố, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng bậc nhất của các nhiệm kỳ Đảng bộ, chính quyền Thành phố. Chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ.
Thứ hai, cần tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục có đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của đất nước.
Thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển, khắc phục những hạn chế của việc quy hoạch manh mún, không toàn diện và thiếu tính ổn định. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Nâng cao năng lực quản lý đô thị cùng với việc chăm lo xây dựng nông thôn mới, từng bước giải quyết sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các khu vực, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thứ ba, cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Hà Nội là một trong hai đô thị lớn nhất của cả nước và còn là Thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục,… Do vậy, việc xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của Trung ương và cả nước, nên Thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc phát huy lợi thế của mình kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và các địa phương. Đồng thời, tôi cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo.
"Nhìn lại những kết quả và thành tựu đạt được trong 10 năm qua, tôi tin tưởng rằng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm làm nên nhiều kết quả và thành tựu trên chặng đường phát triển mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thăng Long nghìn năm văn hiến ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng của cả nước", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.