Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội khai mạc Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 31, cho ý kiến về 7 dự án Luật, trong đó có giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng. Trong đó về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Cụ thể gồm: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); Dự thảo Luật Đường bộ; Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước phiên họp lần này, một số dự án luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tại Phiên họp tháng 2. Như vậy có thể thấy, tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với kỳ họp trước đây.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những nội dung trọng tâm của phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những nội dung trọng tâm của phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Trong các dự án luật trình lần này đều được các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần tiếp thu một cách tối đa những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và cơ bản so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được hoàn thiện thêm một bước rất cơ bản”- Chủ tịch Quốc hội cho biết.

 

Đối với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có sự tham gia đông đảo của các bộ, ngành Trung ương; sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo kết luận về vấn đề này.

“So với Dự thảo Luật trình trước đây, cho đến nay Dự thảo Luật đã được hoàn thiện thêm một bước, tiếp thu tối đa các ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời khẳng định, đây là Dự án Luật đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với Thủ đô mà còn đối với cả nước khi Thủ đô Hà Nội với vai trò, vị trí trái tim, đầu tầu phát triển của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tại Phiên họp thứ 31, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp chất lượng vào các dự án Luật tốt nhất, nhất là một số dự án luật có những nội dung khó và có ý kiến khác nhau.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về nhóm vấn đề thứ hai, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thành lập sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới.

Cũng trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, nhóm vấn đề thứ ba là Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày (dự kiến ngày 18/3) thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao.

Các nội dung chất vấn này dự kiến sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp và có kết nối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; có sự tham gia của một số Phó Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết trong tháng 3, sẽ còn phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật và phiên họp thường kỳ của tháng 5 sẽ cơ bản hoàn tất các nội dung có liên quan đến chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, có một số nội dung được đưa ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, định hướng như: quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao; việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao...