Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội đã có thảo luận tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội là phù hợp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là Dự thảo Luật có tầm quan trọng đặc biệt vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt, đồng thời là Thủ đô của cả nước. Theo nhận định của nhiều đại biểu, dù mới trình lần đầu nhưng chất lượng của Dự án Luật khá tốt nhằm khắc phục tính chất luật khung, luật ống của Luật Thủ đô 2012.
Góp ý về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, với quy định về mô hình tổ chức chính quyền của TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Khi tiến hành tổng kết các Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội phù hợp hơn bởi chỉ bỏ HĐND ở cấp phường, còn chính quyền ở nông thôn thì vẫn giữ nguyên. Thành phố đã lựa chọn mô hình để quy định trong Luật. “Luật hóa nội dung này trong dự thảo có thể nói đã tương đối chín”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, Dự thảo Luật đề xuất tăng từ 90 lên 125 đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu kỹ, nội dung này hoàn toàn phù hợp Nghị quyết của Trung ương bởi khi không tổ chức HĐND ở cấp phường, Hà Nội giảm được khoảng 6.000 người mà chỉ đề xuất tăng có 35 người.
“Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND TP, việc phân cấp, phân quyền cho HĐND TP là cần thiết thí điểm để sau này tổng kết, đánh giá. Tới đây, cần nghiên cứu thể chế hóa, quy định một số quyền hạn riêng, phù hợp cho Thường trực HĐND TP”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Có điều khoản riêng cho phép Hà Nội áp dụng chính sách đặc thù
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi với các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Thủ đô. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, tính toán các nội dung được đưa vào Dự thảo Luật. Bởi có những nội dung đương nhiên có tính chất đặc thù, đặc biệt, đặc trưng riêng của Luật Thủ đô, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển có thể chưa quy định, nhưng đã được thực tiễn kiểm; ngược lại, cũng có những nội dung còn băn khoăn, đang thí điểm thì chưa nên đưa vào Luật ở lần sửa đổi, bổ sung này.
Đại biểu đề nghị, nếu có thể thì đưa vào một điều khoản riêng cho phép Hà Nội được áp dụng một số chính sách đặc thù sau khi có ý kiến thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghĩa là có thể nghiên cứu trong thực tiễn cần áp dụng một số chính sách đặc thù, có thể triển khai nhưng phải có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính khách quan, tính bao quát và đảm bảo chủ động cho Hà Nội trong triển khai thực hiện.
Dẫn chứng cho nhận định này, đại biểu lấy ví dụ về việc áp dụng hình thức đầu tư BT (xây dựng chuyển giao) trong đầu tư PPP. Trước đây trong Luật Đầu tư PPP có quy định về hình thức đầu tư BT nhưng sau khi sửa đổi bổ sung năm 2019 đã đưa loại hình này ra, vì có những nội dung vướng mắc, chưa thông suốt giữa mô hình đầu tư PPP với BT. “Hiện chúng ta đang giao cho TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 98 nhưng nếu đưa vào Luật Thủ đô thì lại định vị luôn việc áp dụng hình thức đầu tư BT này, vì thế sẽ vướng mắc”- đại biểu nêu.
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quàng Văn Hương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La) khẳng định, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với cơ chế chính sách đặc thù là cần thiết, để phát huy được thế mạnh của trung tâm của cả nước.
Bày tỏ quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đại biểu cho biết, Dự thảo Luật chưa đề cập, chưa thể hiện rõ nét về chính sách quam tâm đến các đối tượng yếu thế (như người khuyết tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người nghèo, dân tộc thiểu số...). Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát lại chính sách, có quy định cụ thể, rõ nét hơn tránh việc bỏ sót, không quan tâm tới nhóm đối tượng này, để Thủ đô phát triển toàn diện theo tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau".
Cần chính sách đặc thù để bảo tồn, phát triển văn hoá lịch sử Thủ đô
Góp ý về một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường tán thành với chính sách cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị của dự thảo Luật trong đó có cả việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, các phố cổ, phố cũ, các nhà có kiến trúc đặc biệt; với chính sách hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, cải tạo và chính sách để phát huy bảo tồn được các giá trị lịch sử, văn hoá của Thủ đô Hà Nội.
Theo đại biểu, Thủ đô của Hà Nội có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và đã ăn sâu trong tình cảm, tiềm thức, văn hoá của con người Việt Nam nên cần có chính sách đặc thù để bảo tồn, phát triển, thúc đẩy sự hoạt động của lĩnh vực văn hoá lịch sử với Thủ đô. Tuy nhiên, tại Điều 42 của Dự thảo Luật về việc áp dụng hình thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý, liên kết đối với các công trình hạ tầng thể thao, văn hóa nên có sự tính toán, cân nhắc, phân định rõ vì trên địa bàn Hà Nội có những di tích, công trình văn hoá, thiết chế văn hoá thuộc cấp Trung ương quản lý.
Đối với quy định về đầu tư theo hình thức BT trong Điều 40 của Dự thảo Luật chưa rõ phạm vi, cách thức, ví dụ như xử lý môi trường nhưng rất chung chung trong khi xử lý vi phạm môi trường phạm vi rộng, nhiều mảng. Vì thế cần có sự phân tích tính toán lại cách thức, việc đánh giá, điều kiện áp dụng...
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với quy định phân bổ nguồn tiền thu từ đất tại Dự thảo Luật, Hiện nay, nguồn thu này tính 100% cho địa phương, nhưng sắp tới có hướng tính tỉ lệ trực tiếp, Dự thảo Luật đề nghị được giữ lại tối đa cũng chưa cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, cân nhắc, tính toán, xem xét lại tỉ lệ điều tiết như thế nào cho phù hợp trong tổng thể phân bổ nguồn lực cho Thủ đô Hà Nội phát triển.