Thủ khoa Mai Văn Chu (ĐH Xây dựng) cho biết, do được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Thiên Trường, Nam Định nên từ bé cậu đã mơ ước đỗ đại học, có công việc ổn định để đỡ vất vả.
"Khi nộp đơn thi vào ĐH Xây dựng, em nghĩ đến tương lai mình sẽ thành một kỹ sư xây dựng giỏi để giúp đỡ mọi người. Sau khi ra trường, em sẽ tiếp tục đi vào con đường nghiên cứu khoa học", Chu nói.
Chàng thủ khoa ĐH Xây dựng cũng băn khoăn, khi bằng tuổi cậu bây giờ, mục tiêu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là gì? Rất vui vẻ, Chủ tịch cười nói: "Ngày ấy tôi không phải là thủ khoa nên cũng không đặt ước mơ hay kỳ vọng phải trở thành người nọ, người kia. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, mình cần phải cố gắng phấn đấu để trở thành người có ích, có tài là được".
Thủ khoa ĐH Tài chính chia sẻ, trước đây một người bạn hỏi cậu rằng "nếu có rất nhiều tiền, đi làm không phải nghĩ đến đồng lương thì sẽ chọn ngành nào?". Cậu đã trả lời ngay rằng sẽ đi du lịch, sẽ làm từ thiện. Nhưng sau đó cậu nhận ra, đó không phải là công việc mà chỉ là ý thích tức thời.
"Một lần đi tình nguyện, nhìn thấy các em nhỏ ngây thơ thích thú trước lời giảng của cô, em cảm thấy rất hạnh phúc. Lúc đó em chợt nhận ra rằng ước mơ lớn nhất đời em đấy là được làm thầy giáo dạy mầm non, để hàng ngày được chăm chút, được thấy sự trưởng thành của thế hệ măng non", cậu nói.
Khẳng định rằng phải xuất phát từ tình yêu thì mới làm tốt được công việc, chàng sinh viên kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội trong thời gian tới hãy giúp các học sinh cấp 3 có thể xác định được ước mơ của mình, lựa chọn đường đi đúng nhất. Cậu cũng muốn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ bí quyết để nhận ra công việc mình thực sự muốn làm gì?
Chủ tịch Quốc hội tâm sự, Tài chính không phải là ngành mà ông yêu thích. Ngày ấy, ông thích ngành xây dựng nhưng do sự phân công nên học ĐH Tài chính. Ông nhớ, khi ấy mỗi việc được giao ông đều cảm thấy nặng, phải cố gắng rất nhiều mới hoàn thành.
Nhận thức được con đường mình đang đi, quyết tâm cố gắng để làm tốt, ông bắt đầu đến thư viện Quốc gia đọc sách. Những dự án nào liên quan đến ngành tài chính ông đều tìm hiểu hết từ quy trình xây dựng, hạng mục, công thức... Phần nào chưa hiểu ông hỏi thêm bạn bè ở bách khoa, xây dựng và thầy cô. Suốt 3 năm tìm tòi, ông bắt đầu có tình yêu với Tài chính và đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ được giao sau này.
"Làm nghề nào cũng phải có tình yêu thì mới hết lòng với nó, mới làm tốt được. Nhưng các cháu nên nhớ, ước mơ phải đi liền với ý chí. Có quyết tâm thì chúng ta mới đi đến thành công", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông nhắn nhủ thêm, tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người, mỗi bạn thủ khoa phải tận dụng khoảng thời gian này để phấn đấu và cống hiến, chỉ cần một chút xao nhãng thôi thì sau này sẽ thấy hối tiếc. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, Quang Trung năm xưa cầm quân đánh giặc khi vừa tròn 18, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi mới đôi mươi. Đó là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ, nhất là các bạn thủ khoa học tập và noi theo.
"Tôi nhận thấy các thủ khoa ở đây đã xác định được mục tiêu, mục đích và có ý chí vượt qua mọi khó khăn để đạt được ước mơ của mình. Các cháu đã bước chân vào "bàn đẻ" rồi nhưng có vượt qua được hay không là cả một hành trình. Thủ khoa chưa phải người tài, các cháu phải cố gắng để thành người tài, và sau đấy thành người có tài, có đức như Bác Hồ đã dạy", Chủ tịch Quốc hội dặn dò.
Trong buổi trò chuyện, Thủ khoa xuất sắc khối Quân sự cũng kiến nghị, Nhà nước nên có các cơ chế, chính sách thu hút nhân tài sau khi đi du học trở về nước làm việc, cống hiến. Đồng thời, quan tâm quan tâm đầu tư cho lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh. Thủ khoa Phạm Thị Hồng Thắm (ĐH Sư phạm Hà Nội 2) thì kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và cải thiện chính sách thu nhập cho những người công tác trong ngành giáo dục.