Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội: Phát triển văn hoá ngang tầm chính trị, kinh tế

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/3 , Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ VHT&DL về nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa và công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Tham dự cuộc làm việc có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn

Phát huy giá trị văn hóa, con người trong phát triển bền vững 

Cuộc làm việc nhằm rà soát lại các vấn đề về thể chế, chính sách, pháp luật theo tinh thần Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và các nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực của Bộ VHTT&DL.

Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hoá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hoá do Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022, cần tiếp tục rà soát, có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh (như văn học)... cũng cần được rà soát thật kỹ lưỡng.

Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hoá ngang tầm chính trị, kinh tế, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...

Về Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng việc Quốc hội đăng cai tổ chức sự kiện này và nêu rõ, Hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững.

Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững” liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ VHTT&DL.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTT&DL nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung được phân công, đặc biệt chú ý đến tính kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, con người trong phát triển bền vững.

Điều chỉnh sửa đổi Luật chuyên ngành

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, hệ thống pháp luật về văn hóa hiện có 170 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 5 luật, 33 nghị định, 10 chỉ thị... Trong 9 lĩnh vực chuyên môn về văn hóa hiện đã có 5 lĩnh vực được điều chỉnh bằng luật, 3 lĩnh vực được điều chỉnh bằng nghị định, chỉ còn lĩnh vực văn học chưa có văn bản pháp luật riêng điều chỉnh trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Huấn

Về cơ bản, hệ thống pháp luật về văn hóa hiện đã bao quát, toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, văn hóa và hệ thống pháp luật nói chung; minh bạch, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực văn hóa, bảo đảm để phát triển phong phú, đa dạng hơn theo đúng các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quy định.

“Bộ cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, thể chế hóa 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo Văn hóa 2022 để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Đến nay, Bộ VHTT&DL đã xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa. Bộ trưởng VHTT&DL cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về VHTT&DL giai đoạn 2021 - 2026 với 5 dự án luật, 9 dự thảo nghị định; ban hành kế hoạch hành động tiếp tục thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xác định 3 nhóm nhiệm vụ với danh mục đề án, chương trình, dự án cụ thể.

Triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế, Bộ VHTT&DL cũng đang tập trung xây dựng 2 đề án trọng tâm về “Xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững” và “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, Bộ VHTT&DL đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Bởi, các luật trong lĩnh vực VHTT&DL đều có những quy định nguyên tắc về chính sách, ưu đãi cho DN, song việc áp dụng trên thực tế lại phụ thuộc vào các quy định cụ thể của luật chuyên ngành khác.