Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế"

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nhấn mạnh tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, phải khắc phục cả 2 khuynh hướng: Một là khuynh hướng bảo thủ, sai không sửa; hai là khuynh hướng đổ thừa cho cơ chế.

 Khắc phục khuynh hướng bảo thủ, sai không sửa, đổ thừa cho cơ chế
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, bám sát các nghị quyết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, nội dung cần đánh giá đúng, làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khoá XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công. Thực tế cho thấy 5 năm qua, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa luật Đầu tư công kết hợp sự điều hành thì tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Về kế hoạch tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%. Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 49% - 51%... Tại sao các địa phương này làm được như vậy trong khi cả nước tỷ lệ chi thường xuyên vẫn rất cao. Cần phân tích, đánh giá kỹ để lan tỏa ra các địa phương khác. Chúng ta cũng giải quyết tốt nhiệm vụ xử lý nợ xấu, nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt rất thành công trong việc tái cơ cấu nợ. Cần đánh giá kỹ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Về giải pháp, định hướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước hết phải thể chế hóa kịp thời chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là nhiều điểm mới hoặc có điểm trước đây đã có nhưng nay tư duy và cách nhìn mới.
Đề cập vấn đề thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế. “Tôi thấy khuynh hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào… không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế. Ví dụ, tại sao đầu tư công năm ngoái giải ngân đạt tỷ lệ 98%, trong khi trước đó đều đạt thấp?”- Chủ tịch Quốc hội nói.
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Nhất trí với đề nghị của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm, thử nghiệm các cơ chế, chủ trương mới cần hết sức chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các vấn đề thử nghiệm phải được báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Chính trị báo cáo Ban chấp hành Trung ương, sau đó mới tiến hành. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhiều dự án treo, dự án tồn đọng về đất đai cần được tập trung giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.

Nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới…, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng. Các luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia phải đẩy mạnh hơn để bảo đảm tiến độ triển khai. Về kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, thống nhất cao với các mục tiêu, chỉ tiêu được Chính phủ báo cáo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần đặt mục tiêu cho từng năm, trong đó, chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước.

Đánh giá sâu hơn về khó khăn của doanh nghiệp, người dân

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vấn đề hạ tầng xã hội, cần có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế chiến lược cho từng loại hạ tầng, để từ đó có hướng thu hút đầu tư 5 năm tới cho phù hợp. Đối với vùng động lực, cực tăng trưởng, đây không phải vấn đề mới, nhưng cần xác định, làm rõ cơ chế chính sách để điều phối cho phù hợp. Bên cạnh đó là tăng cường kỷ luật kỷ cương, cá thể hoá trách nhiệm; phân cấp phân quyền mạnh phải đi liền với hậu kiểm.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên cạnh những tác động khó lường của đại dịch Covid-19, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nội tại nền kinh tế, bởi vấn đề tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, chúng ta chưa đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của DN, người dân do dịch bệnh kéo dài 18 tháng qua. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vượt ngưỡng trên 100.000 doanh nghiệp. Chính phủ cần đánh giá, phân loại 100.000 doanh nghiệp này, phân tích sâu sắc để thấy sức mạnh nền kinh tế, làm rõ tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở cho định hướng tài chính những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, năm 2021, áp lực trả nợ công rất lớn. Bội chi giai đoạn này dự kiến cao hơn giai đoạn trước 3,7% GDP. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, có giải pháp triệt để thắt chặt chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư. Do đó, cần đánh giá sâu hơn về những điểm yếu, ảnh hưởng đến tài chính, quy mô trong thu, chi giai đoạn vừa qua và đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm để có cơ sở cho cả 5 năm.