Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, thực hiện tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tham mưu việc chuẩn bị nội dung, dự kiến chương trình kỳ họp và các điều kiện bảo đảm chất lượng và tiến độ phục vụ Kỳ họp thứ 2. Văn phòng Quốc hội đã xây dựng và ban hành Đề án về công tác phục vụ tổ chức Kỳ họp thứ 2, kèm theo Hướng dẫn một số vấn đề về công tác phục vụ kỳ họp; Đề án tổng thể về công tác thông tin, báo chí tuyên truyền phục vụ kỳ họp, kèm theo Đề cương tuyên truyền về các nội dung được Quốc hội xem xét, thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp; Đề án hoạt động của Trung tâm Báo chí phục vụ kỳ họp và các Kế hoạch đảm bảo công nghệ thông tin, công tác phòng, chống dịch Covid -19... để tham mưu, phục vụ chu đáo việc chuẩn bị nội dung cũng như các điều kiện bảo đảm về mọi mặt cho Kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đến nay các nội dung kỳ họp đã đủ điều kiện trình Quốc hội. Công tác chuẩn bị về thông tin tuyên truyền, cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.
Sau khi nghe các cơ quan báo cáo chi tiết các công việc chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu rất lớn đặt ra trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp là vừa cố gắng giảm thời gian làm việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 17 ngày, rút ngắn hơn khá nhiều so với thông lệ các kỳ họp cuối năm. Hiện nay, dịch bệnh Covid – 19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, do đó, việc Quốc hội cố gắng rút ngắn tối đa thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội.
Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, bảo đảm chất lượng là yêu cầu bắt buộc, không vì quá tiết kiệm thời gian mà làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là yêu cầu xuyên suốt đối với hoạt động của Quốc hội thời gian tới, đặt trong tổng thể về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã được xác định tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội về công tác của các cơ quan nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trong quá trình tổ chức kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tận dụng tối đa thời gian thảo luận tại tổ và tại hội trường; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thư ký, tổng hợp ý kiến thảo luận và giải trình các vấn đề đặt ra qua thảo luận. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, tiếng nói của đại biểu Quốc hội phải thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cho lợi ích chung của đất nước, khen – chê “đúng, trúng”, thảo luận kỹ lưỡng, quyết đáp chính xác vì sự phát triển chung.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổng hợp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân về hoạt động của Quốc hội qua tất cả các kênh từ MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí truyền thông, mạng xã hội… để chủ động tham mưu cho lãnh đạo Quốc hội và tổ chức hiệu quả công tác thông tin, truyền thông nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân.