Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hợp đồng bảo hiểm cần cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp và người thụ hưởng

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 13/9, tại Phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những luật đầu tiên trình Quốc hội khoá XV nên phải thể hiện được tinh thần kiến tạo phát triển.

Phân chia bảo hiểm thành 3 loại hình cơ bản

Cho ý kiến về Dự án Luât Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh nhưng thấp so với tiềm năng và mặt bằng thế giới. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau khi ban hành luật sửa đổi này có tạo ra cú hích để thị trường phát triển không là điều rất quan trọng chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc. Tư duy kiến tạo phát triển vì đây là thị trường rất tiềm năng, do đó cần tổng kết sâu thực tiễn và áp dụng kinh nghiệm quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của cơ quan liên quan, tổng kết thực tiễn và áp dụng các khuyến nghị quốc tế; đồng thời cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Đồng thời cho rằng, 6 chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn mang tính khẩu hiệu, ban hành luật xong thì vẫn nằm trên luật, chưa đi vào thực tiễn.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ hợp đồng dân sự về bảo hiểm. Ngoài xem xét tính tương thích của hợp đồng cần cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Cũng liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, bán bảo hiểm thì dễ nhưng khi có sự việc xảy ra thì giải quyết đền bù rất khó nên cần quy định rõ về hợp đồng. “Mỗi đơn vị có hợp đồng riêng mà không có chuẩn nào nên khi có sự cố liên quan đền bù thiệt hại thì bên bán vin vào một hai từ trong hợp đồng và không muốn đền, còn bên mua hảo hiểm yêu cầu rồi sau cùng đưa ra tòa. Nên chăng có hợp đồng mẫu. Đồng Nai đã có nhiều vụ, có trường hợp cháy nhà máy gỗ mà 5 năm chưa được đền bù"- Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nói.

Trước khi thảo luận, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ những vấn đề cần sửa đổi bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó có việc, Luật hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: Quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Dự luật tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Dự Luật sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia; phân chia các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Dự kiến, sau khi được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.
Thẩm tra Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn. Đồng thời, không quy định quá chi tiết, cụ thể những nội dung có thể có biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Sửa đổi luật phải tạo được cú hích cho thị trường kinh doanh bảo hiểm
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, đồng thời cho rằng nội dung của dự thảo luật cần được rà soát, đánh giá kỹ để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Về vấn đề quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý phá sản trong trường hợp rủi ro. Việc xử lý phá sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp với Luật Phá sản. Cần đưa ra nhóm ưu tiên phá sản của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sao cho đồng bộ.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tài liệu hợp đồng bảo hiểm hiện nay đang rất nhiều, do đó nên có quy định nội dung tài liệu bắt buộc, là những tài liệu phải có, quan trọng, có tính chất giao kết, khẳng định rõ các vấn đề liên quan đến các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tư tưởng lập pháp và định hướng xây dựng pháp luật từ phục vụ quản lý là chính sang kiến tạo phát triển. Luật Kinh doanh bảo hiểm là một trong những dự luật đầu tiên trình Quốc hội khoá XV, cần làm rõ cách làm mới, cũng như thể hiện sự kiến tạo phát triển ở chỗ nào để xây dựng thị trường bảo hiểm tầm cỡ.
“Tinh thần quản lý nhà nước cũng phải khác, thay vì quản lý là chính, cần tạo hành lang pháp lý kiến tạo để thị trường bảo hiểm phát triển, tiệm cận cái mới, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để rõ cái đổi mới, luật hoá những gì thực tế đã chứng minh và thậm chí điều chỉnh cả những vấn đề sẽ có sau khi luật ra đời” –Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Các quy định về hợp đồng sẽ chặt chẽ, không gây khó khăn, thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm.