Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi: "Vi phạm ở dự án thủy điện Nước Long là quá rõ"

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ chặt phá rừng phòng hộ để mở đường công vụ vào dự án thủy điện Nước Long, đơn vị thi công dự án này còn tiến hành san ủi đất và cây trồng của người dân khi chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

>>> Quảng Ngãi: San phẳng rừng phòng hộ để làm đường trái phép
 Đoàn kiểm tra của huyện Ba Tơ đi thực tế tại hiện trường.
San ủi đất, cây trồng của người dân khi chưa đền bù
Mặc dù chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng nhưng đơn vị thi công thủy điện Nước Long (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn cho xe cơ giới đào bới rừng phòng hộ làm đường thi công hạng mục của thủy điện này.
Không những thế, đơn vị trên còn ngang nhiên cho xe ủi, mở lối trên đất của người dân tại địa bàn xã Ba Tiêu (huyện Ba Tơ) khi chưa có phương án đền bù giải tỏa.
“Phần diện tích ở khu vực này gia đình khai hoang từ năm 1994 tới giờ, chủ đầu tư chưa thỏa thuận mà đã vào san ủi”, ông Hồ Giang - tổ dân phố Đá Bàn, thị trấn Ba Tơ cho biết.
Một trường hợp khác cũng bị san ủi đất, cây trồng khác là bà Phạm Thị Tình. Theo bà Tình, trước kia, đại diện chủ đầu tư thủy điện Nước Long có thông báo, diện tích đất của gia đình nằm trong khu vực dự án khoảng 5.000m2 và 8.000 cây huỳnh đàn, bạch đàn. Tuy nhiên, khi chưa nhận được tiền đền bù thì vào khoảng cuối tháng 1/2021, đơn vị thi công dự án thủy điện Nước Long đã đưa phương tiện cơ giới vào san ủi, phá bỏ cây trồng.
Bức xúc trước sự việc trên, những hộ gia đình đã báo cáo và chính quyền địa phương cử lực lượng đến lập biên bản, yêu cầu dừng thi công.
Trong biên bản hiện trường mà chính quyền xã Ba Tiêu đã lập về hành vi vi phạm đến đất, cây trồng của người dân, đại diện chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Long đã xin lỗi; đồng thời cam kết sẽ thực hiện chi trả bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
Vi phạm quá rõ ràng
Mới đây, tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra huyện Ba Tơ ở hiện trường khu vực rừng phòng hộ bị xâm lấn, tàn phá trái phép ở xã Ba Ngạc, đại diện Công ty thủy điện Nước Long - Đức Bảo, chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Long thừa nhận, việc cho chặt phá để thi công trên phần diện tích rừng, đất rừng phòng hộ khi chưa hoàn tất thủ tục theo quy định là sai. Đơn vị này cam kết sẽ tạm dừng thi công và hoàn thành thủ tục chuyển đổi đối với số diện tích trên.
 Phần đất rừng và rừng phòng hộ bị san ủi để làm đường vào dự án thủy điện Nước Long.
Về việc bồi thường phần diện tích của dân có đất, cây nằm trong dự án ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, theo đại diện chủ đầu tư đến thời điểm này cơ bản đã xong, hiện chỉ còn vướng mắc đối với 1 hộ dân do hộ này yêu cầu số tiền bồi thường quá lớn (1,5 tỷ đồng) và không phù hợp với quy định hiện hành.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc này, chính quyền xã Ba Ngạc (1 trong 2 xã chịu ảnh hưởng từ dự án thủy điện Nước Long) khẳng định: Từ trước đến giờ, không nhận được bất kỳ văn bản, hay thông báo gì về dự án và việc thi công thủy điện Nước Long.
Do đó, khi đơn vị thi công phá rừng, xâm chiếm đất rừng phòng hộ trái phép; người dân yêu cầu trả lời dự án có gây ảnh hưởng, tác động gì đến đời sống của bà con không, chính quyền xã Ba Ngạc rơi vào lúng túng trong phối hợp xác định vi phạm, giải đáp thắc mắc cho dân về dự án này.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh xác định: Chủ đầu tư dự án đã cho thi công trên phần diện tích rừng phòng hộ khi chưa đủ điều kiện là vi phạm quá rõ ràng.
Ông Phạm Xuân Vinh yêu cầu đơn vị quản lý rừng phòng hộ của tỉnh, huyện và Kiểm lâm Ba Tơ phối hợp rà soát, đối chiếu và xác định chính xác diện tích mà đơn vị thi công thủy điện Nước Long vi phạm là bao nhiêu m2; thẩm quyền xử lý thuộc cấp nào huyện, hay tỉnh và báo cáo và tham mưu, đề xuất cho huyện biện pháp, hướng xử lý phù hợp.
Đối với Công ty thủy điện Nước Long - Đức Bảo, phải cung cấp toàn bộ thông tin dự án cho UBND các xã liên quan là Ba Tiêu và Ba Ngạc; chính quyền huyện Ba Tơ để biết, trả lời những thắc mắc của người dân.
 Một thân cây ở rừng phòng hộ bị cưa đỗ.
Trước đó, Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, trong khi trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng theo quy định của pháp luật chưa thực hiện theo quy định, gần 4.900m2 rừng và đất rừng phòng hộ tại huyện Ba Tơ đã bị san phẳng để làm đường công vụ cho dự án thủy điện Nước Long.
Tại hiện trường, cây rừng bị cưa hạ nằm ngổn ngang; diện tích đất không có rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị đào bới, san ủi để làm đường.
Được biết, dự án thủy điện Nước Long nằm trên địa bàn KonPlong, tỉnh Kon Tum và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Tại huyện Ba Tơ, các hợp phần của dự án thủy điện Nước Long nằm trên địa bàn xã Ba Tiêu và Ba Ngạc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần