Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Sóc Sơn Trương Thị Thanh Nhàn, hiện nay, LĐLĐ huyện đang quản lý 231 công đoàn cơ sở với 13.806 đoàn viên. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; đời sống, việc làm của công nhân lao động dần đi vào ổn định.
Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là ở những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến liên quan đến các vấn đề hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động…, đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.
Nhằm tạo diễn đàn lắng nghe, chia sẻ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho công nhân, người lao động trên địa bàn huyện, LĐLĐ huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với công nhân, người lao động. Tại hội nghị sáng 24/5, nhiều công nhân, người lao động đã chia sẻ nhiều vấn đề còn bất cập hiện nay.
Cụ thể, hội nghị đã ghi nhận tổng số 18 ý kiến của công nhân, người lao động thuộc các công đoàn cơ sở. Qua tổng hợp, những ý kiến, kiến nghị tập trung vào một số nhóm lĩnh vực như: chính sách bảo hiểm xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thủ tục hành chính; cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất; xây dựng nhà ở xã hội; vấn đề về lương và phụ cấp…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng trực tiếp giải đáp những vấn đề mà công nhân, người lao động nêu. Lãnh đạo huyện cũng trực tiếp trả lời, làm rõ thêm nhiều vấn đề được công nhân, người lao động quan tâm...
Khẳng định các ý kiến được đề cập tại hội nghị đều là chính đáng, ông Phạm Văn Minh cho biết các cấp chính quyền của huyện sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các công đoàn viên; trên cơ sở đó có chỉ đạo các phòng ban xem xét kỹ lưỡng, giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đề nghị các đoàn viên công đoàn tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, tay nghề để mang lại lợi ích cho bản thân, doanh nghiệp và địa phương. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp tránh xã các tệ nạn xã hội; các hành vi lừa đảo của tội phạm công nghệ, tín dụng đen...
“Đời sống công đoàn viên là vấn đề được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Những cuộc đối thoại được tổ chức tại huyện Sóc Sơn và nhiều địa phương bởi vậy có ý nghĩa quan trọng, hướng đến mục tiêu chăm lo ngày một tốt hơn cho cuộc sống của công nhân, người lao động. Về phía LĐLĐ TP Hà Nội, sẽ tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của huyện để tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết…” - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ.