Tại buổi đối thoại, các tiểu thương đã đề nghị UBND quận Cầu Giấy làm rõ những vấn đề liên quan đến việc hủy bỏ và thu hồi Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước cho BQL chợ Nghĩa Tân; xem xét văn bản của Ban quản lý chợ Nghĩa Tân về việc thu hồi điểm kinh doanh và đề nghị cho phép các hộ kinh doanh được quyền ký hợp đồng giao địa điểm kinh doanh lâu dài, ổn định.
Liên quan đến các kiến nghị trên, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, việc người dân đề nghị hủy bỏ và thu hồi Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước số 084776 ngày 22/4/2004 cho BQL chợ Nghĩa Tân - Cơ quan quản lý sử dụng trụ sở làm việc là không có cơ sở.
Việc này, UBND quận đã nhiều lần khẳng định tại các văn bản như: Văn bản 481/UBND-VP về việc trả lời đơn kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân ngày 31/5/2012; Văn bản 518/UBND-VP về việc trả lời kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân ngày 13/6/2012, Văn bản trả lời đơn số 1895/UBND-TCKH ngày 28/12/2018…
Đối với nội dung xem xét văn bản của Ban quản lý chợ Nghĩa Tân về việc thu hồi điểm kinh doanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, ngày 11/7/2019, UBND TP đã có Kết luận số 62/KL-UBND về nội dung tố cáo của một số tiểu thương chợ Nghĩa Tân; trong đó, UBND TP Hà Nội đã khẳng định: “Việc UBND quận Cầu Giấy và Ban quản lý chợ quận Cầu Giấy ban hành văn bản 1355/UBND-KT ngày 26/9/2018; Thông báo 48/TB-BQLCQCG ngày 04/10/2018 là thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 787/UBND-CTngày 07/02/2014 và văn bản số 3757/UBND-KT ngày 15/8/2018. Việc một số hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân có đơn tố cáo UBND quận Cầu Giấy, Ban quản lý chợ Nghĩa Tân ban hành Văn bản số 1355/UBND-KT ngày 26/9/2018, Thông báo số 48/TB-BQLCQCG ngày 04/10/2018 mang tính đe đọa các hộ tiểu thương, là không có cơ sở. Công dân tố cáo sai”.
Đối với kiến nghị của các hộ kinh doanh về việc được quyền ký hợp đồng giao địa điểm kinh doanh lâu dài, ổn định, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, việc xây dựng chợ Nghĩa Tân thời điểm năm 1995, UBND huyện Từ Liêm có văn bản huy động vốn bằng hình thức cho thuê chỗ ngồi trong thời hạn 5 năm.
Tại thời điểm đó, việc huy động vốn không thực hiện bằng hình thức hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ. Các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân đã nộp đủ tiền huy động vốn để xây dựng chợ và không phải nộp tiền thuê chỗ ngồi trong 5 năm (từ 1996 - 2001).
Cũng theo ông Bùi Tuấn Anh, trong quá trình giải quyết kiến nghị trên, Thanh tra TP đã vào cuộc xác minh, làm rõ việc huy động vốn xây dựng chợ tại các Văn bản 2123/TTTP(P4) ngày 16/8/2013 và Văn bản 3183/TTTP-P4 ngày 29/6/2018.
Sở Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn làm rõ việc thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ (Văn bản 10600/BCT-TTTN ngày 19/11/2013 của Bộ Công Thương), Văn bản 4970/SCT-QLTM ngày 27/11/2013, về việc kiểm tra hồ sơ, rà soát kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân…
Trên cơ sở ý kiến của các ngành, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo tại các Văn bản: 787/UBND-CT ngày 07/02/2014; số 3757/UBND-KT ngày 15/8/2018 và Văn bản số 3756/UBND-KT ngày 15/8/2018 về việc chấm dứt giải quyết đơn của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân quận Cầu Giấy.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy mong muốn các tiểu thương ủng hộ, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước, để việc kinh doanh tại chợ được ổn định.