Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành T.Ư, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trên cả nước. Tham dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, Hà Nội. Ảnh: VGP |
Hội nghị tập trung rà soát, đánh giá tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 – 2020. Theo Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên...
Nhất trí với nội dung báo cáo chuyên đề công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội Khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP đã rà soát và kiến nghị, đề xuất xem xét sửa đổi một số văn bản của T.Ư và TP, nhằm thực hiện có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, trong đó có việc phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được TP coi trọng, có đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng và đổi mới theo hướng hiện đại đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô.
Những kết quả đạt được trong công tác hoàn thiện thể chế và tăng cường tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thủ đô về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, là tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thái San |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô những năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, còn tồn tại một số hạn chế về phát triển kinh tế, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường… Nhìn từ góc độ pháp lý, có thể thấy rằng, những tồn tại nêu trên đều có liên quan mật thiết đến thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã xác định “Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị” là một nội dung quan trọng trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Cụ thể, Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo. Cập nhật yêu cầu của thực tiễn, TP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, các văn bản quy phạm pháp luật của T.Ư và TP để thi hành Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 (sửa đổi năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá tác động của chính sách, văn bản pháp luật ngay từ trong quá trình xây dựng; đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm giải trình trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm, nguồn lực, tiến độ, hiệu quả của từng nội dung công việc cụ thể. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và tổ chức để Nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế và đánh giá, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong tổ chức thi hành pháp luật...