Tham gia đoàn có lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, các sở, ngành TP và quận Long Biên.
Tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đến thăm, tặng quà cựu chiến binh Nguyễn Phú Vỵ, sinh năm 1922, là thương binh 4/4, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang. Trước năm 1944, cựu chiến binh Nguyễn Phú Vỵ là thanh niên cứu quốc, tham gia hoạt động Việt Minh tại làng Phúc Xá.
Tháng 1/1945, ông Nguyễn Phú Vỵ tham gia đội tự vệ chiến đấu bí mật tại Hà Nội, bị thương tại chiến dịch Hà Nam Ninh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 1956, đợt 1) vì có thành tích chiến đấu trong chiến dịch Đường 5 (tỉnh Hải Dương) và chiến dịch Hà Nam Ninh; đồng thời, tham gia trận đánh Nhà Dầu - Khâm Thiên, Mặt trận Liên khu 1 - Hà Nội.
Cựu chiến binh Nguyễn Phú Vỵ đã tham gia tổng cộng 30 trận đánh, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên quyết xung phong ra trận tiêu diệt địch, đã cùng trung đội diệt 500 tên địch, thu và phá huỷ nhiều xe pháo của kẻ thù. Riêng cá nhân ông đã tiêu diệt 60 tên địch, bắt sống 5 tên, thu 10 súng các loại. Ông từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, 395, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 3, trước khi nghỉ hưu từ năm 1986.
Tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đến thăm, tặng quà cựu thanh niên xung phong Nguyễn Ngọc Ky, sinh năm 1936, là thương binh 21%. Ông là thanh niên xung phong chống Pháp năm 1953. Tháng 1/1954, ông Nguyễn Ngọc Ky nhập ngũ vào Đại đoàn 308, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 10/10/1954, ông cùng các đồng đội trong Đại đoàn 308 đã tham gia tiếp quản Thủ đô, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Trưởng đoàn. Sau này, ông Nguyễn Ngọc Ky làm Trưởng Ban tác chiến Trung đoàn 36, Sư đoàn 308.
Tiếp đó, Đoàn đã đến thăm, tặng quà cựu chiến binh Hoàng Ngưỡng, sinh năm 1937, là thương binh 43%, cũng thường trú trên địa bàn phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Cựu chiến binh Hoàng Ngưỡng tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bị thương tại Cầu Lồ, Bắc Giang. Ngày 9/10/1954, ông trực tiếp về tham gia tiếp quản Thủ đô. Cựu chiến binh Hoàng Ngưỡng có 1 người con trai là liệt sĩ.
Tại các gia đình, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ân cần thăm hỏi sức khoẻ, đời sống, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự cống hiến, công lao to lớn của các cựu chiến binh, thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ; sau đó trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô. Các bác là những nhân chứng sống trong sự kiện tiếp quản, giải phóng Thủ đô cách đây 70 năm.
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội triển khai chủ động, tích cực từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, trước hết làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, gia đình chính sách.
“Các hoạt động ý nghĩa, thiết thực đó đã thể hiện sự tri ân, sự biết ơn sâu sắc của thành phố đối với người có công, gia đình cách mạng, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng đã đóng góp trực tiếp vào công cuộc giải phóng Thủ đô Hà Nội cách đây 70 năm” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh gửi lời chúc các lão thành cách mạng, thương binh và gia đình nhiều sức khỏe; tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tiền phong, gương mẫu, tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương và bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng ghi nhận, đánh giá cao và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, quan tâm, chăm sóc người có công và gia đình chính sách trên địa bàn, nhất là nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức thăm và tặng quà gia đình chính sách, người có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Theo đó, đối tượng tặng quà là người có công với cách mạng và thân nhân gia đình liệt sĩ trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp. Mỗi suất quà trị giá 6 triệu đồng, trong đó tiền mặt 5 triệu đồng, quà tặng trị giá 1 triệu đồng. Tổng số quà tặng dự kiến là 12.150 suất với tổng kinh phí 72,9 tỷ đồng.