Chủ trọ tăng giá, sinh viên chật vật tìm nơi ở mới

Ngọc Minh/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà, chủ trọ đã đột ngột tăng giá khiến sinh viên chật vật tìm nơi ở mới.

Chủ nhà đột ngột tăng giá thuê trọ

Thời điểm hiện tại, năm học mới vừa bắt đầu, nhiều tân sinh viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi tìm kiếm phòng trọ phù hợp với tài chính của bản thân. Ngoài ra, những sinh viên vẫn còn hạn hợp đồng thuê nhà nhưng chủ trọ đột ngột tăng giá phòng cũng đang loay hoay tìm nơi ở mới.

Hàng tháng, anh Trần Minh Tuấn - sinh viên năm 3, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - phải chi hơn một nửa tiền được gia đình chu cấp để đóng tiền trọ. Để có thể trả tiền thuê trọ và chi tiêu thoải mái hơn, anh Tuấn đã chọn cách đi làm thêm.

"Một ngày, tôi dành cho việc đi học và đi làm thêm nhiều giờ. Thời gian ở phòng trọ ít hơn, chủ yếu để ngủ, sẽ đỡ phải chi trả nhiều tiền điện. Nhiều lúc tôi cũng muốn tìm phòng trọ rẻ hơn nhưng lại lo ngại về chất lượng” - anh Tuấn chia sẻ.

Chủ trọ tại Hà Nội tăng giá thuê liên tục trong thời điểm năm học mới. Ảnh: Ngọc Minh
Chủ trọ tại Hà Nội tăng giá thuê liên tục trong thời điểm năm học mới. Ảnh: Ngọc Minh

Chủ trọ tự ý tăng giá phòng, giá dịch vụ dù thời hạn hợp đồng thuê nhà vẫn còn hiệu lực là nơi chị Nguyễn Thu Trang - sinh viên năm 2, sinh sống tại quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Ban đầu, chị Trang ký hợp đồng thuê nhà trong vòng 6 tháng với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Sau đó, chủ nhà đột ngột sang nhượng tòa nhà này cho một người chủ mới. Từ thời điểm đó, giá của căn phòng nữ sinh thuê đã tăng 500.000 đồng/tháng, giá dịch vụ 200.000 đồng/người.

Theo chị Trang, nếu khách thuê không đồng ý thì phải chuyển đi vào cuối tháng. Đây cũng là điều khoản nêu trong hợp đồng mà chị Trang không mảy may để ý.

"Khi tôi và nhiều người thuê thắc mắc, chủ trọ không giải thích rõ ràng. Họ viện cớ việc tu sửa cho PCCC tốn chi phí cao hoặc tăng theo giá chung của thị trường. Trong thời gian gấp vậy, tôi cũng khó tìm được căn trọ mới" - chị Trang chia sẻ.

Cẩn trọng "cò" dẫn mối thuê trọ

Trên thực tế, nhiều sinh viên vì để giảm chi phí nên thường tìm người ở ghép chung để chia tiền, song nhan nhản trên các hội nhóm là nhiều nhân vật mạo danh.

Là người cho thuê trọ lâu năm tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Đình Quế chia sẻ, không ít người khi đi xem phòng trọ được đưa đến các phòng với đầy đủ tiện nghi như phòng sạch đẹp, có chìa khóa riêng, có wifi, gần trường học, chợ...

Thế nhưng, khi họ đồng ý thuê lại không được ký hợp đồng thuê nhà mà phải đặt tiền cọc để giữ phòng. Sau đó, đối tượng hẹn người thuê đến ký hợp đồng nhận phòng vào một ngày khác.

"Nếu người thuê ngỏ ý muốn ký hợp đồng ngay lúc đó đối tượng sẽ lấy lý do như người thuê trọ cũ chưa chuyển. Tiền đặt cọc thường từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, có hợp đồng nhận tiền cọc đầy đủ trông chuyên nghiệp và đáng tin" - ông Quế nói.

Ông Quế lưu ý, những điều khoản trong giấy nhận tiền cọc có nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận xem kỹ thì người thuê dễ "dính bẫy".

Không chỉ vậy, một số người bị "cò” phòng trọ dẫn đến xem phòng nhưng đối tượng không phải là chủ trọ, cũng không phải là quản lý toà nhà, không liên quan gì đến phòng trọ.

Vì vậy, sinh viên đi thuê trọ cần tìm hiểu thông tin về nơi định thuê thật kỹ, kiểm tra xem có phải lừa đảo hay không. Ngoài ra, sinh viên cần tham khảo ý kiến người dân xung quanh về chủ trọ, khảo sát an ninh về khu vực cho thuê trọ.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất khi quyết định ký hợp đồng đặt cọc là phải đọc kỹ hợp đồng. Nếu người thuê nhà bị lừa đảo, trong trường hợp cần thiết có thể báo lên cơ quan chức năng như công an phường, UBND phường nơi có nhà trọ cho thuê.