Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện có 60/80 làng có nghề. Trong đó, 5 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống, với 2 sản phẩm làng nghề được đánh giá là chủ đạo, phát triển nhất là sản phẩm nghề may và nghề mộc. Sản phẩm của các làng nghề tuy chưa có thương hiệu nhưng cũng đã được khá nhiều người tiêu dùng biết đến với mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý và hiện được tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh, TP trong cả nước.
Nghề may mặc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thắng Văn
|
Lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ khẳng định: Để hỗ trợ phát triển các làng nghề, huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề từ năm 2008 định hướng đến năm 2015. Đồng thời, triển khai các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề gắn với du lịch, làng nghề mới. Trong hỗ trợ mặt bằng sản xuất, huyện cũng đã quy hoạch, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp tập trung để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp như Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ, xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng và thành lập mới 8 cụm tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 120 ha.
Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi của đoàn giám sát về hiệu quả của các chương trình hỗ trợ và kiểm soát chất lượng sản phẩm làng nghề, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết: Điểm khó trong phát triển làng nghề chính là nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu, dẫn tới giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Đồng thời, do chưa đăng ký thương hiệu, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; các nguồn vốn tín dụng đầu tư trong nước và ngoài nước cũng khó trong tiếp cận. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa cao, các làng nghề lại chưa có giải pháp đầu tư để giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn..., nên việc phát triển làng nghề bền vững chưa đạt được. Huyện đã kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp và các cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; có các chính sách hỗ trợ để huyện xây dựng thương hiệu làng nghề.
Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Thùy đề nghị huyện Phúc Thọ hàng năm cần xây dựng kế hoạch riêng cho phát triển làng nghề, trong đó, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, phòng, ban. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp biết về chính sách của T.Ư, TP về bảo tồn, phát triển nghề. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; quan tâm hơn đến việc đề xuất công nhận nghệ nhân làng nghề và tạo điều kiện để nghệ nhân làm công việc truyền nghề..., từ đó tạo ra sức phát triển và bảo tồn nghề.