Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ trương đúng nhưng cách làm chưa hay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ quần áo Trung Tự (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) hoang mang, lo lắng trước thông báo giải tỏa chợ của UBND phường Trung Tự.

Điều đáng nói, khu chợ tồn tại gần 20 năm qua là nơi kiếm sống của nhiều người dân nhưng khi giải tỏa chính quyền lại không có giải thích thỏa đáng khiến các tiểu thương bức xúc.

Tiểu thương bức xúc

Được biết, khu vực chợ quần áo trước đây vốn là bãi rác, khoảng cuối năm 1998, UBND phường Trung Tự có chủ trương lập chợ và ký hợp đồng cho các tiểu thương tự thu dọn bãi rác làm chỗ bán hàng kinh doanh. Việc giải tỏa chợ quần áo Trung Tự là chủ trương của UBND TP giao cho quận Đống Đa thực hiện theo Quyết định 7853/QĐ-UB ngày 18/12/2001 để thực hiện Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn I.

Với nhiệm vụ nói trên, UBND phường Trung Tự đã có thông báo giải tỏa chợ Trung Tự. Đồng thời với việc phát thông báo này, ngày 1/3, UBND phường đã tiến hành giải tỏa khu vực Câu lạc bộ (CLB) Người cao tuổi nhà A7 Khương Thượng (khu vực nằm sát chợ quần áo Trung Tự). Trước sự việc này, hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại chợ quần áo đã phản đối và bày tỏ nhiều bức xúc. Các hàng quán sát chợ quần áo nằm trong diện giải tỏa chưa hề có bất kỳ động thái nào để chuẩn bị bàn giao lại mặt bằng. Người dân khu vực cho rằng việc giải tỏa khu chợ có tuổi đời gần 20 năm sẽ đẩy hàng trăm con người vào nguy cơ thất nghiệp. Ngoài ra, người dân cũng không được biết cụ thể số diện tích cần thu hồi đất là bao nhiêu, và có dỡ bỏ toàn bộ chợ hay không?

 
Chợ quần áo Trung Tự nằm trong diện giải phóng mặt bằng Dự án thoát nước Hà Nội – giai đoạn I.
Chợ quần áo Trung Tự nằm trong diện giải phóng mặt bằng Dự án thoát nước Hà Nội – giai đoạn I.

Một chủ kiốt bày tỏ bức xúc: “Từ trước tới nay chúng tôi vẫn nộp tiền thuế và phí ngồi chợ đầy đủ, thậm chí nhiều hộ còn có cả hợp đồng thuê chỗ lâu dài. Bỗng dưng phường lại thông báo tất cả dừng hoạt động để giải tỏa trong khi chúng tôi đang kinh doanh ổn định. Hơn nữa, các hộ kinh doanh ở đây nhà ai cũng còn tồn hàng trăm triệu đồng tiền hàng. Trước yêu cầu dừng hoạt động này, chúng tôi làm sao thu hồi được vốn?”.

Tạm dừng để rà soát, kiểm tra

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đinh Quốc Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết: “UBND phường Trung Tự đã làm đúng quy trình trong việc giải tỏa chợ quần áo Trung Tự. Theo đó, phường đã 3 lần dán thông báo vào các tháng 10, 11/2013, gần đây nhất là ngày 27/2/2014 trước khi giải tỏa CLB Người cao tuổi của nhà A7 chứ không phải đột ngột như bà con nói. Việc giải tỏa chợ quần áo Trung Tự nhằm thực hiện Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn I. Liên quan đến thực hiện dự án này, trên địa bàn phường Trung Tự có 182 hộ dân, 5 cơ quan và toàn bộ khu chợ quần áo Trung Tự nằm trong phạm vi giải tỏa. Nguyện vọng của tiểu thương về việc bố trí phương án địa điểm kinh doanh mới là rất khó vì hiện trên địa bàn phường không còn quỹ đất nào để bố trí làm nơi kinh doanh”.

Theo ông Phan Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, giải tỏa khu chợ quần áo Trung Tự để thực hiện Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn I là chủ trương của TP. Tuy nhiên, khi tiến hành giải tỏa, các bà con tiểu thương có phản ứng. Do vậy, UBND quận Đống Đa tạm dừng việc giải tỏa để rà soát, kiểm tra lại dự án, đặc biệt là những hộ dân và cửa hàng nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng; đồng thời yêu cầu UBND phường Trung Tự làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành việc di dời sao cho tạo được sự đồng thuận của người dân.

Việc giải tỏa chợ quần áo Trung Tự để thực hiện Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn I  là cần thiết và đúng chủ trương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để hài hòa lợi ích giữa các bên, UBND quận Đống Đa cần tính toán sao cho đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.