Chủ trương nâng tầm Nhà hát lớn Hà Nội: Ý tưởng hay, nhưng thiếu chương trình tốt

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã gần một năm, Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ mở cửa cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, không còn nhạc sến ỉ ôi hay xập xình những lễ kỷ niệm của ngành nọ, công ty kia.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL thừa nhận: “Đây là chủ trương lớn của Bộ nhưng khâu bán vé thật sự khó khăn”.

Có hay không việc ép cán bộ mua vé?

Chủ trương biểu diễn chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu từ tháng 8/2016. Sau 6 tháng thử nghiệm, chủ trương này gần như êm ả. Bắt đầu từ năm 2017, Bộ VHTT&DL giảm dần những chương trình hỗ trợ để Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội và các nhà hát có vở diễn thêm phần chủ động trong khâu tiếp thị bán vé. Khi chương trình không còn phát vé mời, lượng khách ngay tức thì đìu hiu. “Các chương trình tại Nhà hát Lớn năm 2016 lượng khách tuy đông nhưng chủ yếu là vé mời, lượng vé bán được trực tiếp rất thấp mặc dù công tác truyền thông quảng bá rất mạnh” - ông Đỗ Mạnh Hà – Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội thông tin.

Một chương trình âm nhạc diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Có nhiều nguồn tin chia sẻ Bộ VHTT&DL đã yêu cầu cán bộ cơ quan trực thuộc Bộ đã phải bỏ tiền triệu ra mua vé. Trước câu hỏi có hay không tình trạng ép cán bộ nhân viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) mua vé xem nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát lớn, cả Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình và Phó Cục trưởng Cục NTBD Lê Minh Tuấn đều lảng tránh. Phó Cục trưởng Cục NTBD nói sẽ kiểm tra lại thông tin, Chánh Văn phòng Bộ khẳng định có kêu gọi anh em ủng hộ chủ trương của Bộ, ủng hộ các nhà hát, các nghệ sĩ nhưng không có chuyện ép mua vé.

Hiện nay, gánh nặng bán những chiếc vé tiền triệu đang được giao một phần cho Ban Quản lý Nhà hát Lớn và các nhà hát có chương trình công diễn. Lý do của việc các chương trình chưa đông khán giả một phần vì chưa tạo được thói quen mua vé giá cao xem sân khấu của khán giả phía Bắc, Chánh Văn phòng Bộ cho rằng còn có lý do khâu tiếp thị của Nhà hát Lớn thụ động. Và các nhà hát trực thuộc Bộ cũng không mấy năng động trong khâu bán vé. Song, không phải chương trình nào tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng đìu hiu. Trong tháng 5/2017, chương trình “Về miền quan họ” cũng đã đạt mức khủng, khán phòng kín khán giả nhờ bán vé. Song, cũng không nhiều chương trình có được niềm vui như “Về miền quan họ”.

Chưa chốt thời điểm mở tour du lịch

Sau chủ trương biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đầu tháng 5/2017, Bộ VHTT&DL lại rục rịch ý tưởng xây dựng tour du lịch khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ khởi động tour này từ đầu tháng 6. Tuy nhiên đã cuối tháng 6 Bộ vẫn chưa chính thức khởi động. Trong buổi khảo sát đầu tháng 5, nhiều DN cho rằng giá tour còn cao, các chương trình nghệ thuật chưa xuất sắc, khó cạnh tranh với một số chương trình tương tự ở Hà Nội như "Ionah", "Tứ phủ" hoặc "À ố show". Chính vì vậy, nhiều DN lữ hành cũng đắn đo khả năng hút khách cho tour du lịch này.

“Sau khi nghe góp ý tại tour khảo sát hôm 10/5, Bộ VHTT&DL giao các đơn vị tiếp tục hoàn thiện và trình Bộ trưởng. Một trong những vướng mắc nhất là phần biểu diễn nghệ thuật mang tên Sắc Việt nằm trong gói tour này. Bộ giao Cục NTBD chỉ đạo các nhà hát hoàn thiện theo góp ý. Lãnh đạo Nhà hát Lớn chịu trách nhiệm trình đề án lên Bộ VHTT&DL” – ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Vẫn biết rằng “tour du lịch mở cửa Nhà hát Lớn Hà Nội là tâm huyết của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, không chỉ đơn giản nhằm mục đích kinh doanh mà góp phần thăng hoa thêm giá trị nghệ thuật Việt Nam” – đúng như tâm sự của ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Thế nhưng, giống như các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, Bộ VHTT&DL không thể thực hiện chế độ bao cấp, mà cần có doanh thu để duy trì. Chính vì rút kinh nghiệm, cân đo đếm nguồn lực để thực hiện cả quãng đường dài nên với chủ trương mở cửa đón khách du lịch cho Nhà hát đã có phần thận trọng hơn.

Quan điểm của Bộ VHTT&DL là nỗ lực bán vé để khán giả tạo thói quen và nhu cầu mua vé, dù việc này còn rất khó khăn. Giải pháp cụ thể là nhờ DN, đơn vị mua vé cho cán bộ, công chức, nhân viên để xem chương trình nghệ thuật.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL