Chùa Bà Tấm tu bổ, tôn tạo hay xây mới?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi lãnh đạo và người dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) tha thiết mong có phương án tu bổ, tôn tạo chùa Bà Tấm (còn gọi là Linh Nhân Tư Phúc Tự) thì Bộ VHTT&DL lại ra quyết định khai quật khảo cổ giai đoạn 3 (từ tháng 6 - 11/2015) ngôi chùa nằm trên địa phận xã Dương Xá, có niên đại đến gần 1.000 năm.

Chùa Bà Tấm được xây dựng cách đây hơn 20 năm.
Chùa Bà Tấm được xây dựng cách đây hơn 20 năm.
Cuộc khai quật sắp diễn ra đã và đang tạo ra các quan điểm trái chiều giữa nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu văn hóa.

Chùa thiêng thành trường dạy học 
“Tôi nghĩ khai quật khảo cổ sẽ không ảnh hưởng đến di tích. Nhưng nếu trùng tu, tôn tạo không trên cơ sở nghiên cứu sẽ làm hỏng  và sai lệch, thậm chí mất đi di tích. Bởi vì nếu mình bảo vệ nhưng không biết vị trí nào thì nguy cơ phá hoại di sản nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Ngọc ChấtTrưởng phòng nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất – Trưởng Phòng nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), người tham gia khai quật chùa Bà Tấm giai đoạn 2005 và 2013, và kế đến là 2015 cho rằng: “Kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học trong các năm 2005 và 2013 đã khẳng định rõ sự tồn tại của công trình kiến trúc có quy mô to lớn thời Lý được Nguyên phi, Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan xây dựng vào năm 1115. Thông qua các di tích, di vật được phát hiện cho thấy di tích khởi dựng từ thời Lý, liên tục được trùng tu, sửa chữa và xây dựng vào các thời kỳ sau, khẳng định vị trí và ảnh hưởng của Nguyên phi, Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan cùng tư tưởng Phật giáo trong đời sống tâm linh và tâm thức dân gian”. Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan được Nhân dân tôn vinh là Bà Tấm, nên chùa Linh Nhân Tư Phúc còn có tên là chùa Bà Tấm. Ngôi chùa thực sự là một không gian linh thiêng, được Nhân dân trọng vọng, thể hiện rõ nhất trong lễ hội vào các ngày 19/2 và 25/7 Âm lịch hàng năm. Hội đền Bà Tấm là hội lớn trong vùng, không chỉ có Dương Xá, Dương Nguyễn mà kéo dài suốt từ làng Phú Thị cho tới Văn Lâm (Hưng Yên).

Thế nhưng dấu tích ngàn năm của ngôi chùa đã được chôn vùi dưới mặt đất. Những gì còn sót lại trên mặt đất hiện nay là kiến trúc chùa, đền và nhà thờ mẫu in đậm dấu ấn tu sửa gần đây (khoảng những năm 1980). Không gian hơn 2ha của ngôi chùa hiện chỉ lưu giữ một vài di vật phản ánh lịch sử và quá trình tồn tại, các lần trùng tu, sửa chữa di tích, đáng kể là 2 tượng sư tử (bệ thờ); thành bậc trang, chim phượng... Theo ông Mai Trung (83 tuổi), xã Dương Xá, Gia Lâm: “Khoảng năm 1962 ngôi chùa cổ bị san phẳng, nhường chỗ cho các dãy nhà năm gian dùng làm nơi sinh hoạt của bà con thôn xóm nơi đây. Nhưng vì tính linh thiêng của ngôi chùa, nên Nhân dân vẫn dựng lên đền thờ Bà Tấm bên cạnh các dãy nhà mới. Sau này, khi đất nước thống nhất, người dân góp tiền xây chùa”. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 900 năm ngày mất của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, lãnh đạo huyện Gia Lâm và người dân xã Dương Xá đã có nguyện vọng tu bổ, tôn tạo lại di tích theo kết quả khảo cổ của hai lần trước. Dù thiết kế tu bổ, tôn tạo được lập ra, xin ý kiến các nhà khoa học song lại gặp “vướng” suốt 2 năm nay.

Bảo tồn nóng vội

Theo bà Vũ Thị Hải Yến – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm: “Cách đây chưa đầy một năm, các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín như GS Trần Lâm Biền, PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS.TS Mai Hùng… thống nhất quan điểm việc khai quật toàn diện di tích là không cần thiết. GS Trần Lâm Biền còn nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay, nếu khai quật, con cháu chúng ta sẽ không có cơ hội chiêm ngưỡng các di tích khảo cổ. Bởi vì, chúng ta đào lên nhưng không bảo quản được, mà chỉ đưa hiện vật đi sau đó lấp đất lại”.

Thống nhất với quan điểm của các nhà khoa học, UBND huyện Gia Lâm lên phương án tu bổ, tôn tạo di tích theo hướng dịch chuyển chùa lên phía trước, giữ nguyên diện tích khảo cổ phía sau. Thế nhưng, không hiểu vì sao hồ sơ xin tu bổ của Gia Lâm gặp vướng gần 2 năm nay. Đến năm 2015, Bộ VHTT&DL lại đưa ra quyết định giao cho Sở VHTT&DL Hà Nội cùng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khảo cổ lần 3. “Diện  tích khai quật lần 3 sẽ là 600m2, như thế có đào hết di tích lên không?” – bà Vũ Thị Hải Yến thắc mắc.
Các hố khai quật tại chùa Bà Tấm năm 2013. 	Ảnh: Thanh Loan
Các hố khai quật tại chùa Bà Tấm năm 2013. Ảnh: Thanh Loan
Theo kế hoạch, nếu được Bộ VHTT&DL phê duyệt, việc tu bổ tôn tạo di tích chùa Bà Tấm được UBND huyện Gia Lâm thực hiện trong hai năm 2014 – 2015, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Mục đích tu bổ hay xây mới ngôi chùa là nằm trong chiến lược marketting di sản văn hóa Việt, kết nối di sản với du lịch của địa phương. Dự án sẽ đầu tư 30,23 tỷ đồng để quy hoạch, trùng tu một số hạng mục của 8 di tích trên địa bàn huyện, gồm: đình và văn chỉ Bát Tràng; chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn); đình, đền, chùa Kiêu Kỵ; chùa Bà Tấm; đình, đền, chùa Phú Thị; đền, chùa Phù Đổng; chùa Nành (xã Ninh Hiệp) và chùa Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Sau khi trùng tu, các di tích sẽ được đưa lên bản đồ du lịch huyện Gia Lâm với tour Bát Tràng - Đa Tốn - Kiêu Kỵ - Dương Xá - Phú Thị - Ninh Hiệp - Việt Hưng và ngược lại.

Rõ ràng, phương án “lấy di tích nuôi di tích”, đưa di tích lên bản đồ du lịch là câu chuyện khá lý tưởng song cũng không thể nóng vội thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Chất cho rằng: “Theo luật di sản phải có kết quả nghiên cứu, khai quật để xem xét lại quy mô diễn biến thay đổi của ngôi đền theo thời gian, sau đó mới đưa ra được giải pháp trùng tu, tôn tạo. Thám sát lần đầu tiên khai quật đã chạm đến nền móng và phát hiện ra thành bậc đá sau thượng điện và hậu đường thời Lý và có dấu vết thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phát hiện ban đầu mang tính cơ sở để biết được diễn biến niên đại, còn để xác định như sự mong muốn của phòng văn hóa của huyện Gia Lâm về trùng tu, tôn tạo tại chùa bà Tấm cần có căn cứ cụ thể”.

Sẽ có phương án tu bổ sau khảo cổ lần 3

Hiện nay, Sở VHTT&DL Hà Nội đã giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thực hiện kế hoạch khai quật khảo cổ học tại di tích chùa Bà Tấm lần thứ 3. Theo dự kiến ban đầu, quá trình khảo cổ bắt đầu vào tháng 5/2015, song vì tránh trùng ngày hội làng nên công tác khảo cổ đã lùi lại vào đầu tháng 6/2015.

Khác với nỗi lo của vị lãnh đạo phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm, Ông Nguyễn Ngọc Chất bày tỏ: “Lần này, diện tích khai quật 600m2 sẽ triển khai tập trung vào trung tâm, quanh chùa, phát triển rộng hơn hố khai quật cách đây 2 năm để tìm ra quy mô mặt bằng thời Lý, giải quyết những diễn tiến biến đổi của di tích thời kỳ Lê Trung Hưng”. Giai đoạn 1 của lần khai quật thứ 3 này sẽ diễn ra khoảng hơn một tháng, sau đó sẽ hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành về phương án trùng tu. Theo ông Nguyễn Ngọc Chất: “Chúng tôi cũng sẽ đưa ra quan điểm bảo tồn trên cơ sở khai quật, khảo cổ. Tôi mong muốn có thể tu bổ ngôi chùa theo kiến trúc khởi hành của di tích – thời Lý nhưng điều này còn phụ thuộc chúng ta tìm được bao nhiêu dữ liệu từ khảo cổ. Giai đoạn trùng tu cũng không nhất thiết phải tại nền móng khai quật, ví dụ như Hoành thành Thăng Long, cần bảo tồn, thì sẽ bảo tồn và trùng tu bên cạnh của nền móng cũ”.

Giai đoạn 2 được hoàn thành trước ngày 30/11/2015, nhằm  báo cáo kết quả nghiên cứu quá trình khai quật. Kết quả này sẽ là căn cứ khoa học rõ ràng nhất cho việc lựa chọn trùng tu, tôn tạo di tích như thế nào của cơ quan quản lý và nhà khoa học.
PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Việc khai quật tiếp theo và toàn diện tại khu di tích là không cần thiết
Qua cuộc khảo cổ 200 và 2013 có thể khẳng định được về hình dạng, nền móng kiến trúc của Chùa qua các thời kỳ. Việc thực hiện khai quật tiếp theo và toàn diện tại khu di tích là không cần thiết. Tuy nhiên cần nghiên cứu vị trí xây dựng chùa, dịch lên phía trước so với ngôi chùa hiện nay để bảo vệ các lớp khai quật khảo cổ mới phát hiện. Tôi không đồng ý với việc dùng từ “tu bổ, tôn tạo” mà là “xây dựng lại” chùa Linh Nhân Tư Phúc trên cơ sở kết quả khai quật khảo cổ và không lệ thuộc vào vị trí đền Bà Tấm để tiến hành xây dựng chùa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần