Chữa bệnh dị ứng - khó mà dễ

Chia sẻ Zalo

Dị ứng đã từ lâu có mặt thường xuyên trong danh sách top ten của “bệnh thời đại”!

Bây giờ có nghịch lý là ngành dược không thiếu thuốc chống dị ứng với hiệu quả hơn ngày xưa, nhưng số người ngứa ngáy, ho hen... vẫn tiếp tục tăng nhanh!

Tây, ta đều… ngứa!

Dị ứng đã từ lâu có mặt thường xuyên trong danh sách top ten của “bệnh thời đại”! Nói có sách, mách có chứng, lấy thí dụ cụ thể ở CHLB Đức, nơi môi trường sống trong lành, nơi thừa thuốc đặc hiệu và nhiều chương trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà số người bị dị ứng đã tăng gấp 3 lần nếu so với thập niên trước đây!

Tỷ lệ cứ 3 người dân bên đó có 1 người phải dùng thuốc chống dị ứng, nghĩa là hơn 20 triệu người là khách hàng thân thiết của thuốc chống ngứa, cho thấy dị ứng không còn là chuyện nhỏ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tất nhiên đã không vô cớ lên tiếng báo động về mối nguy dị ứng như “cơn dịch của các nước phương Tây”. Định nghĩa này lại không hoàn toàn chính xác vì bệnh không chỉ hoành hành bên tây mà ngay cả bên ta cũng thế, không chừng nặng hơn. Ai chưa tin chỉ cần đếm số thuốc chống dị ứng đang được tiêu thụ hàng ngày ở xứ mình thì hiểu ngay!

Trong một số trường hợp chất sinh dị ứng tuy có thể là phấn hoa, lông thú vật, côn trùng, thực phẩm, độc chất trong môi trường ô nhiễm…, nhưng nếu thế thì còn dễ cho thầy thuốc vì không quá khó để phát hiện thủ phạm. Kẹt cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc ở chỗ nhiều khi nguyên nhân sinh dị ứng lại là món ăn, thức uống, hóa chất gia dụng thông thường, hay thậm chí chỉ vì sai biệt nhiệt độ.

Bên cạnh đó, bệnh nặng hay nhẹ tùy hình thức dị ứng còn cạn bên ngoài như ngoài da, viêm mắt, viêm mũi dị ứng, hay sâu hơn như rối loạn tiêu hóa, phù mặt, hen suyễn, hoặc nghiêm trọng hơn nữa dưới dạng cơn cao huyết áp hay choáng phản vệ. Cũng vì quá đa dạng nên đừng nói chi đến bệnh nhân, ngay cả thầy thuốc cũng có thể bị đánh lừa dễ dàng!

Dị ứng nào khó chữa?

Điểm lý thú theo kết quả nghiên cứu còn nóng hổi ở CHLB Đức, món đứng hàng đầu trong các nguyên nhân sinh dị ứng lại vô hình. Đó là Stress! Gặp chất sinh dị ứng hữu hình như món ăn, hóa chất… chữa bệnh còn nhiêu khê, huống hồ thủ phạm lại chính là cuộc sống căng thẳng hàng ngày.

Nhiều y sĩ đoàn ở châu Âu khuyến cáo người dân nên nhanh chân tìm đến thầy thuốc nếu thường xuyên bị dị ứng bởi đó là dấu hiệu báo động cho thấy có gì đó trục trặc của sức đề kháng.

Nếu một trong các nguyên tắc phòng tránh dị ứng là “tránh voi chẳng xấu mặt nào” thì thử hỏi làm sao tránh stress khi stress bám chặt hơn đỉa đói(?!). Đó cũng chính là lý do tại sao số nạn nhân dị ứng tăng nhanh đến thế! Trong cuộc sống căng thẳng của thế kỷ 21, ai dám vỗ ngực xưng mình xem stress như chuyện tào lao?

Không cần dông dài cũng hiểu thuốc chống dị ứng dùng trong trường hợp này nếu có tác dụng lâu dài mới là chuyện lạ. Cũng không có gì khó hiểu nếu đã có nhiều báo cáo y học cho thấy nhiều trường hợp ngứa ngáy ngoài da chữa cả năm bằng thuốc trong uống đủ thứ, ngoài thoa lung tung vẫn không khỏi, nhưng lại thuyên giảm thấy rõ sau khi nạn nhân tập… thiền!