Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chữa bệnh tự kỷ cho trẻ: Đừng để tiền mất tật mang

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan tới việc dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ của Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), khi sự thật đáng sợ bên trong trung tâm này được phơi bày, nhiều phụ huynh cảm thấy bất bình, lo lắng và xót thương cho những đứa trẻ đang được “chăm sóc” tại đây.

Các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên đưa trẻ tự kỷ đi khám tại các bệnh viện (BV) để có được lời khuyên hữu ích từ phía bác sĩ, tránh tiền mất tật mang.
Mất hàng tỷ đồng để chữa bệnh cho con
Hiện nay, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh lo lắng và khổ sở vì con mắc bệnh tự kỷ. Không ít phụ huynh ở các tỉnh, thành bỏ cả công ăn việc làm để đưa con về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khám chữa bệnh.
Là người mẹ của 2 đứa trẻ tự kỷ, chị Nguyễn Thị Hạnh (37 tuổi) ở phường Thành Công, quận Ba Đình luôn trong tình trạng mệt mỏi, stress. Bởi lẽ, 9 năm qua, vợ chồng chị đã tiêu tốn hàng tỷ đồng để chữa trị bệnh tự kỷ cho con nhưng bệnh không mấy thuyên giảm.
 Vai trò quan trọng của cha mẹ trong hành trình giúp con thoát khỏi tự kỷ. (Ảnh minh họa) Nguồn: internet
“Bản thân tôi cũng là một giáo viên dạy trẻ tự kỷ nhưng tôi thực sự thất vọng vì mình đã không làm được những điều mà gia đình kỳ vọng. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc và sẽ tiếp tục hành trình cùng các con đến bao giờ có kết quả thì thôi” - chị Hạnh chia sẻ.
Tại BV Nhi T.Ư, số lượng trẻ đến khám và điều trị chứng tự kỷ ngày càng tăng. Khoa Tâm bệnh của BV hiện chỉ nhận can thiệp trẻ tương đối nặng, trẻ có cha mẹ chưa thành thục chuẩn kỹ năng chăm sóc người tự kỷ, trẻ ở những tỉnh không có trung tâm can thiệp. Phần lớn trẻ bị tự kỷ nhẹ sẽ được nhân viên y tế tư vấn và hướng dẫn phụ huynh chăm sóc.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc BV Nhi T.Ư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, bệnh tự kỷ đã trở thành vấn đề toàn cầu hiện nay. Theo thống kê, ở nước ta ước tính có gần 1 triệu trẻ tự kỷ, đồng nghĩa là 2 triệu bố mẹ, 4 triệu ông bà, 1 triệu anh/chị/em bị tác động trực tiếp. Đây là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến nhiều người dân trong xã hội, nhưng tự kỷ chưa được quan tâm.
Theo các chuyên gia, tự kỷ là một phổ rộng, từ nhẹ đến nặng, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa, chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhiều người chưa biết về chứng tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ. Hiện, chưa có nhiều nơi có thể chẩn đoán được tự kỷ. Việt Nam cũng rất ít trung tâm can thiệp dành cho trẻ tự kỷ lớn.
Cha mẹ là người quyết định sự tiến bộ của trẻ
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, điều khó khăn ở trẻ tự kỷ là thiếu ngôn ngữ, nhiều trẻ có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn, tăng động...
Thực tế, việc chăm sóc những em bé bình thường vốn đã không đơn giản. Nên việc nuôi dưỡng trẻ tự kỷ là một “sứ mệnh” hết sức thiêng liêng. Vì vậy, việc phát hiện và can thiệp sớm mang đến cơ hội tốt nhất để hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ, cải thiện khả năng học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội... Trong quá trình can thiệp của trẻ cần có sự kết hợp, song hành của gia đình cùng với nhân viên y tế.
“Cha mẹ đóng vai trò rất lớn đối với trẻ tự kỷ, là người quyết định trong sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Giáo viên chỉ can thiệp được 1 - 2 giờ/ngày, còn 14 - 15 giờ trong ngày phải do chính bố mẹ. Đặc biệt, những kỹ năng đơn giản như: Dạy trẻ đánh răng, cầm đũa, tự vệ sinh cá nhân… với trẻ tự kỷ phải dạy nhiều lần, cần nhiều thời gian. Thời gian ở nhà mới thực sự quan trọng để cha mẹ gần gũi, hướng dẫn con” - GS.TS Liêm cho hay.
Tuy nhiên, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc các bậc phụ huynh mải miết với công việc, không có thời gian, thiếu kinh nghiệm thực hành, không có sự kiên trì để dạy con đã khiến cho việc gần gũi và giáo dục trẻ tự kỷ càng trở nên khó khăn hơn.Trong khi đó, học phí cho trẻ tự kỷ khá cao. Việc không học thường xuyên sẽ khiến kết quả rất hạn chế. “Một trong những khó khăn nổi bật, đó là đội ngũ giáo viên can thiệp rất thiếu, chưa được đào tạo can thiệp chuyên nghiệp, bài bản, trung tâm can thiệp rất ít” - GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chỉ rõ.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Việt Nam cần xây dựng một chương trình giáo dục, can thiệp dựa vào gia đình, bằng các lớp đào tạo cho cha mẹ và giúp họ trở thành giáo viên cho chính con mình.
Đây là cách tiếp cận tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi ít kinh phí nhất nhưng có thể giúp cho nhiều trẻ em ở nông thôn, miền núi, các gia đình có thu nhập thấp tiếp cận được các phương pháp can thiệp hiện đại. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH.
Trong khi đó, GS.TS Lê Đức Hinh - nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam cho rằng, muốn biết trẻ có bị tự kỷ hay không, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa khám. Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên cho phụ huynh nên dạy và điều trị trẻ tự kỷ ra sao? “Tôi cũng khuyến cáo phụ huynh không nghe những lời quảng cáo chữa được bệnh tự kỷ mà chưa tìm hiểu kỹ, chưa biết thực hư ra sao” - GS.TS Lê Đức Hinh cho hay.