Chưa bốc đúng thuốc để trị nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Vân Hằng - Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở Hà Nội xem ra chưa có lời kết, bởi hiện nay, ở đâu thực hiện GPMB sau khi mở đường thì ở đó vẫn mọc lên những ngôi nhà hình dáng kì dị, gây mất mỹ quan đô thị.

Ý kiến chung của giới quy hoạch kiến trúc đều cho rằng, cách khắc phục “lõi” là tích cực tuyên truyền chỉnh trang hợp thửa, hợp khối công trình thống nhất sẽ tiết kiệm kinh phí lại đảm bảo kiến trúc cảnh quan tổng thể hài hòa.

Cứ mở đường lại có thêm nhà... kỳ dị

Theo nhận định của các chuyên gia, sự tồn tại của những công trình "siêu mỏng, siêu méo" vừa là hiện thực khách quan vừa là kết quả chủ quan. Thực tế, khối lượng các ngôi nhà “kỳ dị” mọc lên tỷ lệ thuận với tiến độ các dự án GPMB. Tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, thời gian gần đây trên địa bàn TP tiếp tục xuất hiện nhiều căn nhà "siêu mỏng, siêu méo" tại các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa khi các dự án đường Vành đai II (đoạn đường Nhật Tân - Xuân La - Bưởi); Trần Phú - Kim Mã; Thanh Nhàn đưa vào sử dụng. Phần lớn các căn nhà hình thù méo mó này đều được dùng để kinh doanh mua bán và không được cấp phép xây dựng.
Ngôi nhà “siêu mỏng” mọc lên tại dự án cống hóa kênh mương Y cụ - Y khoa tại ngõ 139 Khương Thượng. Ảnh: Vũ Cúc
Ngôi nhà “siêu mỏng” mọc lên tại dự án cống hóa kênh mương Y cụ - Y khoa tại ngõ 139 Khương Thượng. Ảnh: Vũ Cúc
Chỉ tính riêng phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và Xuân La (Tây Hồ) đã có hơn 10 nhà "siêu mỏng, siêu méo". Trên đường Nguyễn Văn Huyên nhan nhản những ngôi “nhà tạm” rộng từ 1,7 - 3m2. Tại đoạn đầu đường Võ Chí Công, gần điểm giao với đường Hoàng Quốc Việt, một ngôi nhà không rõ hình thù với chiều rộng chỉ khoảng 1,5 - 2m, nhưng lại được xây cao chót vót đang ngang nhiên kinh doanh buôn bán. Theo thống kê sơ bộ, đoạn đường Trần Phú - Kim Mã dài chừng 600m, cũng xuất hiện 3 công trình siêu mỏng. Đáng chú ý đường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) có đến hơn 10 công trình siêu mỏng, siêu méo rộng chừng 6 - 8m2. Điển hình là các căn nhà tại số 245, 239, 86, 84 và 58 thuộc khu vực Thanh Nhàn… Cá biệt, căn nhà số 86 chỉ rộng chừng 5m2, được chủ hộ quây kín tầng 2 bằng tôn quảng cáo, còn tầng 1 biến đổi công năng thành quán ăn. Khảo sát dự án cống hóa kênh mương Y cụ - Y khoa thuộc dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn 2 tại ngõ 139 Khương Thượng (Đống Đa), cũng ghi nhận hơn chục nhà siêu mỏng, siêu méo đang mọc lên bất chấp sự vào cuộc của các nhà quản lý.

Trao đổi với phóng viên, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 của UBND TP Hà Nội đã quy định rất rõ: Sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối (30 ngày) phải kiên quyết thu hồi đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng. Như vậy nếu chúng ta quản lý tốt thì chắc chắn sẽ không thể xảy ra tình trạng nhà mỏng, méo. Nhưng thực tế lại ngược lại, chứng tỏ nguyên nhân có nhiều, nhưng trước tiên là do khâu quản lý bị cắt khúc, sự buông lỏng hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền trong quản lý xây dựng đô thị.

Về vấn đề này, giới chuyên môn cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chính quyền một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua còn chưa chủ động trong tham mưu cũng như thiếu kiên quyết trong xử lý nhà "siêu méo, siêu mỏng" do có tâm lý trông chờ TP giải quyết.
Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo cần xử lý làm sao để vừa có lý lại vừa có tình. Luật Thủ đô tại điều 9 đã quy định rõ: “Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải đảm bảo phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đỏ của tuyến dự kiến theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị”. Do đó, GPMB từ chỉ giới đỏ nên thu rộng hơn sang hai bên 50 - 100m,  lập đền bù GPMB, tái định cư, sau khi giải phóng làm đường thì đấu giá hoặc đấu thầu việc sử dụng đất hai bên đường. Lúc bấy giờ dự án mới vào từng lô đất sạch, dù đắt nhưng xây được ngay. Cho nên phải lập quỹ đất sạch để phát triển đô thị, thực hiện quy hoạch, cách đó trong luật cho phép.
KTS Trần Ngọc Chính Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Xử lý theo nhóm dự án

Đại diện Sở QH - KT Hà Nội cho biết, từ bối cảnh phát triển đô thị và hình thành công trình "siêu mỏng, siêu méo" đã xuất hiện các loại hình: Nhóm dự án đã GPMB xong, nhóm dự án đang GPMB và nhóm tương lai (các dự án mở đường chuẩn bị triển khai). Do đó, để có giải pháp khắc phục những ngôi nhà có tình trạng méo mó một cách hiệu quả cần xem xét đặc tính của từng nhóm dự án. Cụ thể, theo đại diện Sở QH - KT, đối với các loại công trình méo mó hình thành trước khi có Luật Đất đai năm 2003, sẽ khó thu hồi vì chưa bố trí được kinh phí và tái định cư. Cho nên phương án chính vẫn cần tuyên truyền khuyến khích để hợp thửa, hợp khối. Còn với nhóm dự án đang GPMB, chính quyền địa phương cần phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các dự án mở đường giao thông phá dỡ toàn bộ phần công trình còn lại ngoài chỉ giới với những thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (đã được đền bù phần công trình trên đất theo phương án GPMB được duyệt) để chính quyền địa phương quản lý các thửa đất, không cho phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân hợp thửa đất đúng thời hạn quy định cũng như xây dựng công trình mới sau khi hợp thửa, hợp khối. Trường hợp các thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đề xuất hợp thửa đất, UBND quận, huyện cần chủ động hướng dẫn người dân chuyển nhượng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết liệt thực hiện việc thu hồi đất ngoài chỉ giới sau khi hết hạn hợp thửa, hợp khối theo Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 của UBND TP Hà Nội. Cuối cùng đối với nhóm dự án mở đường trong tương lai thì yêu cầu phải khảo sát ngay diện tích ngoài chỉ giới. Lúc triển khai phương án GPMB, bổ sung các nội dung thực hiện liên quan đến xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng vào kế hoạch, tổng mức đầu tư để triển khai thực hiện.

Trong khi đó GS.TSKH Đặng Hùng Võ phân tích, để giải quyết vấn đề này cần giải pháp tổng thể cũng như thời gian. Phương án lý tưởng nhất là đền bù cho toàn bộ diện tích khu đất khi GPMB, TP thu hồi các thửa đất nhỏ còn sót lại. Tuy nhiên, phương án này sẽ đặt gánh nặng lên ngân sách TP. “Quan trọng là TP và các sở, ngành liên quan cần hướng dẫn các quận, huyện hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tiếp giáp mặt đường, mặt sông, mặt mương có nguồn gốc là đất nông nghiệp thành đất ở (sau quá trình GPMB) để các hộ có điều kiện hợp thửa, hợp khối với các hộ liền kề. Bố trí kinh phí để thực hiện thu hồi nốt phần diện tích không đủ điều kiện xây dựng đồng thời với kinh phí thực hiện dự án và có hướng dẫn để thực hiện thu hồi sớm” - ông Võ nhấn mạnh.
Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông ghi rõ: Đối với những thửa đất không thực hiện hợp thửa, hợp khối được thì Nhà nước sẽ thu hồi theo quy định và được quyền bán chỉ định. Trường hợp người dân ở phía trong có nhu cầu mua lại phần đất đó thì Nhà nước sẽ bán theo giá mà Nhà nước phê duyệt (cho từng trường hợp cụ thể).
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác liên ngành theo Quyết định 1577/QĐ-UBND chỉ rõ số lượng các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng theo kết quả kiểm tra năm 2016 đã giải quyết được 338/552 trường hợp (tỷ lệ khoảng 61,2%), còn 214/552 (tỷ lệ khoảng 38,8%) các trường hợp tồn đọng chưa giải quyết dứt điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần