Chưa có “thuốc” đặc trị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm có đến hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, những vụ bị xử lý hình sự lại không đáng kể. Nguyên nhân được xác định, các chế tài xử lý vi phạm này còn quy định chung chung, chưa đủ sức răn đe.

Báo động! 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), mỗi năm, lực lượng này phát hiện gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Nhưng việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số hơn trăm, thậm chí có năm chỉ là hàng chục. Tính từ năm 2010 đến cuối năm 2013, trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó khởi tố trên 350 vụ với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng. Tội phạm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường, đô thị.

Thống kê cho thấy, khoảng 60% lượng nước thải hàng ngày từ các khu, cụm công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Khoảng 70% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không có hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý nước thải đạt chuẩn; 30% có hệ thống đạt chuẩn nhưng không chắc chắn có thực hiện hay không...
 
Vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái gây ô nhiễm nặng môi trường.    Ảnh: Hưng Duy
Vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái gây ô nhiễm nặng môi trường. Ảnh: Hưng Duy
Cũng theo C49, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc xảy ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều thủ đoạn khác nhau. Vi phạm chủ yếu về xả thải, quản lý chất thải nguy hại và khí thải, điển hình là vụ vi phạm về xả nước thải không qua xử lý của Công ty Cổ phần Công nghiệp TungKuang (Hải Dương); vụ vi phạm về quản lý chất thải nguy hại và xả nước thải vượt tiêu chuẩn của Công ty TNHH Nhôm Đông Á Việt Nam (Hải Dương)... Trong lĩnh vực quản lý và khai thác lâm sản, khoáng sản, động vật hoang dã, mỗi năm cũng có đến hơn 6.000 vụ vi phạm, nhưng xử lý chưa đạt tới 50%.

Chưa có chế tài đủ mạnh 

Thực tế cho thấy, việc thi hành Bộ Luật hình sự (BLHS) đối với tội phạm môi trường còn nhiều hạn chế. Sự vụ của Vedan, theo ước tính, công ty này có thể xả nước thải ra sông Thị Vải tới 5.000 m3/ngày và diễn ra từ năm 1994. Thế nhưng, cuối cùng Vedan mới chịu phạt hơn 200 triệu và bị truy thu trên 120 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường. Và với hành vi nguy hiểm đó cũng chỉ khiến Vedan bị xử  phạt ở mức độ hành chính. 

Một vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khác về môi trường khiến dư luận "dậy sóng" xảy ra trong năm 2013 là vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty CP Nicotex Thanh Thái (tỉnh Thanh Hóa) gây ô nhiễm môi trường, hàng ngàn người dân đứng trước nguy cơ nhiễm độc, mắc bệnh… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đơn vị vi phạm mới bị xử phạt hành chính. Tổng mức xử phạt mà UBND tỉnh Thanh Hóa áp dụng quy định của pháp luật thì Nicotex Thanh Thái phải chịu mức phạt 421.150.000 đồng. Đối với nội dung vi phạm trách nhiệm hình sự, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh điều tra. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 cho rằng: "Tội phạm trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là xử lý bằng xử phạt hành chính. Hệ thống pháp luật hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh đặc trị loại tội phạm này. Do vậy, tội phạm môi trường ngày càng nhiều".

Một "kẽ hở" nữa của pháp luật  là trong việc quản lý và khai thác lâm sản, khoáng sản, động vật hoang dã… Theo BLHS, chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc hai tội danh: Huỷ hoại rừng (Điều 189) và Vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190). Còn với các tội danh khác, dù có rất nhiều vụ việc bức xúc được báo chí phanh phui, cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết luận là có sai phạm nhưng vẫn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Vì vậy, để có thể từng bước ngăn chặn có hiệu quả hành vi xâm phạm môi trường, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc quy định trách nhiệm hình sự liên quan tới lĩnh vực môi trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần