Chưa có vaccine phòng chống cúm A/H7N9

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Th.S Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) thông tin như trên tại hội thảo Nhịp cầu nhà nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tại huyện Thanh Trì sáng 30/5.

Theo ông Sơn, virus cúm gia cầm A/H7N9 từ khi bùng phát đã gây nhiều thiệt hại cho người nông dân. Đặc biệt nguy hiểm khi virus có khả năng lây lan qua người. Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều ca nhiễm virus cúm A/H7N9 nhất với trên 1.430 ca, trong đó, đáng lo ngại khi có tới 40% số ca đã tử vong.
 Các đại biểu tham gia Hội thảo Nhịp cầu nhà nông tổ chức tại huyện Thanh Trì sáng 30/5.
Tại Việt Nam, cúm A/H7N9 hiện chưa lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm là không thể chủ quan. Ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm, hiện, thế giới chưa có vaccine phòng chống và cũng chưa có kháng sinh phòng trừ đặc hiệu. Người dân cần rất cẩn trọng trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ. Bên cạnh làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, người dân tuyệt đối không nên ăn sản phẩm gia cầm sống, nhất là trứng gà (trần sống) và tiết canh gà. Thực tế, cúm A/H7N9 không gây chết gà, nhưng khi người ăn các sản phẩm sống từ gà thì lại gây… chết người.

Tại hội thảo Nhịp cầu nhà nông sáng 30/5, bên cạnh giải đáp những thắc mắc của bà con nông dân liên quan tới chăn nuôi gia súc gia cầm, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm “4 đúng” (thời gian, loại thuốc, nồng độ - liều lượng và sử dụng có trách nhiệm). TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho rằng, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ suy thoái đất, bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước câu hỏi phổ biến của người nông dân liên quan tới bài toán “được mùa - mất giá” và ngược lại, các chuyên gia cho rằng, sai lầm của người nông dân chính là cứ thấy lãi đổ xô vào sản xuất. Về mặt chính sách, các cấp ban ngành cần lập quy hoạch, tiến tới xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ bảo đảm tính bền vững.