Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa đủ cơ sở để điều chỉnh giá điện từ 1/6

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trao đổi với báo chí chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay ngành điện đang khó khăn nhưng chưa đủ cơ sở để tăng giá từ 1/6.

KTĐT - Trao đổi với báo chí chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay ngành điện đang khó khăn nhưng chưa đủ cơ sở để tăng giá từ 1/6.

- Quyết định 24 nêu rõ thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu giữa hai lần là 3 tháng khiến nhiều người lo ngại giá điện sẽ tăng trong tháng 6. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng, tại thời điểm này, chúng ta chưa đủ cơ sở để nói chắc chắn giá điện từ 1/6 có được điều chỉnh hay không. Biến động giá điện phụ thuộc vào 3 thông số đầu vào gồm: tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu nguồn phát. Từ 1/3 Chính phủ đã phê duyệt giá điện mới cho năm 2011. Theo đó, giá bán điện sẽ được điều chỉnh dựa vào 3 thông số cơ bản của các tháng 4,5 và 6. Nếu giá bình quân 3 nguyên liệu đầu vào của các tháng 3,4,5 biến động lớn hơn 5% thì giá bán điện sẽ được điều chỉnh.

Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét thẩm định đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến vấn đề kinh tế và xã hội. Hiện chúng tôi đang triển khai một số việc phải xong trước 1/6 là hướng dẫn chi tiết giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng và hướng dẫn tính toán giá bán điện theo các thông số bán điện đầu vào cơ bản.

-Theo Quyết định 24, trong vòng một năm có thể tăng giá điện tới 4 lần, mỗi lần Tập đoàn Điện lực (EVN) được tự quyết tối thiểu 5%. Vì sao EVN được trao quyền lớn như vậy thưa ông?

- Thủ tướng yêu cầu trước khi tăng giá điện thì EVN phải báo cáo Bộ Công Thương. Sau 5 ngày nếu Bộ Công Thương không có ý kiến thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh giá điện ở mức 5%. Khi cần điều chỉnh trên 5% thì Tập đoàn Điện lực phải xây dựng phương án, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Trong thời gian này, nếu Thủ tướng chưa có ý kiến thì EVN được phép điều chỉnh ở mức 5%. Tôi cho rằng, EVN được quyền tự động điều chỉnh giá bán điện trong trường hợp thông số đầu vào biến động phản ánh thị trường một cách kịp thời và nhanh nhất.

- Vì sao trong khi các ngành khác đang nỗ lực kiềm chế lạm phát không tăng giá thì ngành điện lại được chủ động điều chỉnh giá điện theo thị trường?

- Cuối năm 2010, tình hình tài chính của EVN rất khó khăn. Vấn đề đặt ra là làm sao nhanh chóng điều chỉnh giá điện để EVN đảm bảo năng lực tài chính tiếp tục hoạt động. Tại phiên họp cuối cùng năm 2010 của Quốc Hội, Chinh phủ cam kết sẽ điều chỉnh giá điện, tái cơ cấu ngành điện và vận hành thị trường điện cạnh tranh. Cụ thể là sang năm 2011, đầu tháng 3 giá điện tăng 15,28%. Sắp tới, đề án hình thành 3 tổng công ty phát điện nằm trong EVN với 100% vốn công ty nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ -con cũng đang được xây dựng. Hiện Bộ đang xây dựng dựng văn bản pháp luật, xây dựng đường truyền, quy trình đường truyền để đảm bảo tiến độ đúng kế hoạch đề ra.

- Chúng ta xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng thực chất EVN vẫn độc quyền ở khâu phân phối. Vậy bao giờ mới mới tiến tới một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thưa ông?

- Chúng ta đang xây dựng thị trường điện Việt Nam sẽ phát điện theo 3 giai đoạn. Năm 2006-2014 là giai đoạn hình thành mô hình thị trường phát điện cạnh tranh. Năm 2015-2022 hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh hay còn gọi là các công ty phân phối cạnh tranh nhau. Sau 2022 là mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và người mua điện có thể chọn người bán điện cho mình. Thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ phải vận hành dần dần.

- Thủ tướng cho phép 3 tháng có thể điều chỉnh giá điện một lần khiến nhiều doanh nghiệp lo trở tay không kịp. Vậy Bộ có biện pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp tránh trường hợp gây sốc cho họ?

- Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 41 chỉ đạo EVN nhanh chóng chuyển đổi hợp đồng mua bán điện. Hiện nay, theo hợp đồng mẫu cũng như theo thông tư 41 thì giá điện của EVN mua từ các công ty phát điện sẽ gồm hai thành phần là giá cố định và giá biến đổi. Khi nhiên liệu đầu vào biến đổi thì giá hợp đồng theo giá cố định không thay đổi nhưng hợp đồng theo giá biến đổi sẽ biến động theo.

Vừa rồi khi điều chỉnh giá điện tăng 15,28%, Chính phủ cũng đã rất thận trọng. Để đảm bảo an sinh xã hội Chính phủ đã có giải pháp để hỗ trợ. Trong tương lai, nếu việc tăng giá điện có ảnh hưởng lớn, Chính phủ chắc chắn sẽ có những giải pháp hỗ trợ khác. Tăng giá điện thì doanh nghiệp sản xuất có cách thực quản lý hiệu quả tốt hơn tránh lãng phí điện.

- Quyết định của Thủ tướng có nói đến việc thành lập quỹ bình ổn giá điện nhưng thực tế nhiều người lo ngại hiệu quả của quỹ này sẽ giống như quỹ bình ổn xăng dầu?

- Quỹ bình ổn giá điện sẽ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế hình thành và quản lý và sử dụng. Quỹ bình ổn giá điện sẽ được hình thành từ chi phí sản xuất kinh doanh điện. Chúng ta còn thời gian để xây dựng cơ chế hình thành quỹ này sao cho hiệu quả nhất. Tôi cho rằng, quỹ bình ổn giá điện sẽ được xây dựng một cách cẩn trọng.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, đầu tháng 6 chưa thể điều chỉnh giá điện. Trước mắt, EVN phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. EVN là tập đoàn Nhà nước, tăng giá điện cũng phải tránh thời điểm nhạy cảm. Tập đoàn sẽ cân nhắc thời điểm tăng giá điện.