Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa đủ hiểu mình, chưa hiểu thế giới

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đông năm Ất Dậu (2005), thầy Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011) ở tuổi 80 từ nước Nga về quê. Sáng 3/1/2006 tôi trong tốp trò cũ tháp tùng thầy sang thăm Khu di tích Nguyễn Du.

Gần 11 giờ trưa, thầy vào Nhà trưng bày viết cảm tưởng. Lướt nhanh một số trang những người trước đã viết, thầy nói: “Tôi muốn trừ lại mấy trang để Ban Quản lý khu di tích (QLKDT) mời các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa ghi rồi mới đến lượt mình. Giờ tôi muốn các anh khuyên nên viết cái gì nào”. Trưởng ban QLKDT gợi ý: “Thầy tâm huyết nghiên cứu chữ nghĩa Truyện Kiều, hôm nay thầy về thăm mảnh đất sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du...”. 
Thầy thận trọng ghi vào sổ vàng rồi đọc mọi người

cùng nghe:
Tiên Điền, ngày 3/1/2006
Tôi là một người đi xa quê hương đã lâu ngày, nay được về với sông núi vùng Hoan Châu, nhất là được về với quê hương Nguyễn Du, trong lòng xúc động khôn xiết. Tôi đã 30 năm nay nghiên cứu về chữ nghĩa Truyện Kiều, xin hứa sẽ cộng tác với Ban QLKDT cố gắng tích luỹ được càng ngày càng nhiều tài liệu, về những gì đã có chúng tôi sẵn lòng cung cấp. Về chữ nghĩa Truyện Kiều có nhiều vấn đề còn tiếp tục thảo luận, chúng tôi cũng xin sẵn sàng đề xuất.
 Khu di tích Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh.
Các ý kiến trước mắt của chúng tôi là nên tiếp tục thu thập các bản Kiều cổ càng nhiều càng tốt, ví dụ các bản Kiều TK 19, nên coi trọng bản Duy Minh Thị 1872, 1879, 1891 như GS Hoàng Xuân Hãn đã đề xuất. Về niên đại, nên đào sâu thêm về giả thuyết Truyện Kiều đã được viết cuối triều Lê. Về chữ nghĩa nên tổ chức thảo luận rộng rãi về khoảng hơn 500 câu có nhiều dị bản (1.300 câu đã được tương đối thống nhất). Nguyễn Tài Cẩn.
Trưa ấy tại Vinh, thầy cho biết, giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở nhiều nước trên thế giới quan niệm “chưa hiểu đủ về mình thì cũng chưa hiểu thế giới”, họ rất quan tâm lĩnh vực địa phương học. Hiện người Nga đặc biệt quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này, họ thấy rằng các vùng của Nga rất khác nhau về sự hình thành.
Lần ấy, thầy được dẫn đến bờ sông Neva, nhìn bức tường có một đường kẻ ngang, thầy không hiểu chuyện gì. Một chuyên gia về lũ lụt đến giúp ngành du lịch giải thích: Ở Leningrad thường hay bị lũ lụt, đường kẻ ngang này ghi lại ngấn nước của trận lũ cao nhất từng gây thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa thuộc địa phương.
Khi được gợi chuyện nói về văn hóa xứ Nghệ, thầy Nguyễn Tài Cẩn khiêm tốn nói rằng, mình không phải là người nghiên cứu về Nghệ Tĩnh, dù sinh ra ở mảnh đất này. Tuy nhiên, thầy cũng có đọc nhiều bài viết của cụ Bùi Dương Lịch viết về Nghệ An và tìm hiểu qua những giai thoại, truyền thuyết.
“Đi vào nghiên cứu tính địa phương thì Nghệ Tĩnh cũng là vùng đất ghê gớm, tương lai trả lời thế nào chưa biết nhưng đây là một vùng phải nghiên cứu” – thầy Nguyễn Tài Cẩn nói với chúng tôi.
Nghiên cứu tính địa phương là một vấn đề rất quan trọng, được giới nghiên cứu nước ngoài đặc biệt quan tâm chú trọng. Hơn thế nữa, tính địa phương của Việt Nam cũng có sức hút nhiều nhà nghiên cứu quốc tế. Năm 2002, trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế về “Nghiên cứu Âu châu và Việt Nam lần thứ 5” tổ chức tại Nga, đoàn đại biểu Mỹ có xin ở lại thêm 6 ngày để nhờ thầy Nguyễn Tài Cẩn dịch hơn 1.000 câu thơ Nôm cho một dự án nghiên cứu về bà Chúa Liễu Hạnh.
Chúng tôi nghiên cứu người Rục ở Quảng Bình, cứ muốn tập trung họ bằng cách xây nhà xây cửa, họ lại giải tán. Vừa rồi lại xây nhà rông trong Tây Nguyên họ không ở, là vì mình chưa nghiên cứu kỹ tính địa phương, không hiểu sâu những tập tục đã thành máu thịt của dân bản địa.
Tôi thấy việc nghiên cứu sâu tính địa phương mình làm còn sơ sài, về ngôn ngữ cũng vậy, về các mặt khác cũng vậy. Mình chưa hiểu đủ về mình thì cũng chưa thể hiểu thế giới. Gần đây, ta có cái Bảo tàng Dân tộc học do con trai anh Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc, được quốc tế khen rồi đấy!