Chữa hẹp khí quản bằng kỹ thuật mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hẹp khí quản gây tắc đường thở là một tổn thương cần cấp cứu kịp thời vì dễ gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân.

KTĐT - Hẹp khí quản gây tắc đường thở là một tổn thương cần cấp cứu kịp thời vì dễ gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân.

10 bệnh nhân bị tắc đường thở do khối u khí quản chèn ép đã được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực -Tim mạch (BV T.Ư Quân đội 108) cứu sống nhờ phương pháp cắt nối và tạo hình khí quản.

Tại Bệnh viện Việt Đức, phương pháp đặt stent mở rộng khí quản cũng mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Cắt nối và tạo hình khí quản

Bệnh nhân Trần Đăng Sơn (25 tuổi), bị tai nạn giao thông dẫn tới hôn mê phải mở khí quản để giúp hệ thống hô hấp hoạt động. Tuy nhiên, do mở lâu ngày nên khí quản bị biến chứng hẹp dần khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong.

Đối với trường hợp bệnh nhân Sơn, TS. Hoàng Quốc Toàn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực-Tim mạch, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ đã cắt bỏ đoạn hẹp, nối lại, giúp bệnh nhân tự thở, nói bình thường bằng kỹ thuật cắt nối và tạo hình khí quản. Hẹp khí quản gây tắc đường thở là một tổn thương cần cấp cứu kịp thời vì dễ gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân. Ngoài ra, những bệnh nhân bị chít hẹp khí quản sau xạ trị ung thư vùng cổ, u khí quản, hẹp khí quản bẩm sinh, u nguyên phát tại khí quản, u trong trung thất, vùng cổ tuyến giáp xâm lấn... là những đối tượng có nguy cơ cao bị tắc thở do khí quản bị tổn thương nặng nề. Tính đến nay, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Tim mạch đã phẫu thuật thành công cho 15 trường hợp bị chèn ép khí quản gây tắc thở, không có bệnh nhân nào bị biến chứng.

Theo TS.Toàn, trên thế giới hiện đã công bố điều trị thành công cho 22 trường hợp hẹp khí quản do xạ trị ung thư khí quản. Riêng tại Việt Nam, các bác sĩ BV TƯ Quân đội 108 đã điều trị hiệu quả cho hai bệnh nhân bị ung thư khí quản. Đối với những bệnh nhân bị ung thư khí quản đã từng nhiều lần điều trị tia xạ sẽ gây khó khăn cho bác sĩ vì các tổ chức xung quanh cũng như khí quản bị xơ cứng, thiểu dưỡng, nguy cơ hoại tử sau mổ gây bục miệng nối là rất cao. Để giải quyết những khó khăn này, các bác sĩ đã sử dụng vạt mạc nối lớn dưới bụng luồn sau xương ức kéo lên cổ rồi phủ lên trên khí quản để bảo vệ và tăng cường dinh dưỡng cho miệng nối.

Riêng với những bệnh nhân hẹp khí quản do u khí quản nguyên phát hoặc u ở các cơ quan lân cận xâm lấn vào khí quản, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ khối u, loại bỏ phần chít hẹp để giải phóng đường thở, sau đó tạo hình khí quản. Cắt nối và tạo hình khí quản được các chuyên gia đánh giá là một trong những kỹ thuật khó thực hiện nhất của phẫu thuật lồng ngực. Bởi lẽ có đoạn khí quản nằm trong lồng ngực, tiếp giáp với những mạch máu lớn, thực quản, hệ thống thần kinh, nếu thực hiện không chuẩn xác dễ dẫn tới biến chứng như bệnh nhân bị mất tiếng hoặc gây chảy máu thực quản.

Với phương pháp mới này, bệnh nhân có thể được bỏ nội khí quản ngay khi còn nằm trên bàn mổ. Đặc biệt, sau mổ, bệnh nhân có thể nói được ngay. Sau 7 đến 10 ngày, bệnh nhân sẽ được xuất viện. TS. Hoàng Quốc Toàn cho biết thêm, kỹ thuật mới này được điều trị cho những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở lâm sàng tăng dần, nhiễm trùng tái phát nhiều lần hoặc bệnh nhân bị chít hẹp hơn 50% khí quản. Một ưu điểm nữa của kỹ thuật cắt nối và tạo hình khí quản là ngoài việc điều trị triệt để đoạn khí quản bị chít hẹp, cắt bỏ tận gốc khối u thì tỷ lệ tái phát bệnh chỉ còn 5%. Trước đây, khi chưa áp dụng phương pháp này, bác sĩ thường sử dụng kỹ thuật nong, đốt laze, sóng cao tần rất dễ làm bệnh tái phát.

Đặt stent mở rộng khí quản

BS Nguyễn Đức Chính, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, BV Việt Đức cho biết, việc áp dụng kỹ thuật đặt stent trong điều trị hẹp khí quản đã có những kết quả khả quan, tuy nhiên kỹ thuật này chưa được áp dụng phổ biến. Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, phối hợp với Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực BV Việt Đức vừa phẫu thuật kết hợp đặt stent thành công cho bệnh nhân Hài, ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) bị hẹp khí quản sau mở khí quản.

Trước đó, bệnh nhân Hài bị viêm phổi và điều trị tại BV 103, sau đó suy thở nên phải mở khí quản. Gần 10 ngày khó thở tăng dần, đã khám BV Tai Mũi Họng TƯ, sau chuyển BV Việt Đức xét mổ tạo hình khí quản. Các bác sĩ BV Việt Đức đã thực hiện đặt stent để mở rộng khí quản cho bệnh nhân này. Stent (giá đỡ) được sử dụng từ nhiều năm trước nhằm làm phế quản hẹp trở nên rộng hơn, giúp thông khí và giải phóng đờm nhớt, hạn chế biến chứng xẹp phổi và nhiễm trùng.

Trước đây, một số bệnh viện ở Việt Nam cũng tiến hành đặt stent làm rộng khí quản nhưng là loại bằng nhựa có tráng silicone đơn giản. Còn lần này, các bác sĩ BV Việt Đức đã đặt dụng cụ giúp khí quản phồng lên được trong khi trước đó nó hẹp khít, không thể nong. Đây là loại stent lót kim loại, giá thành rất đắt.

Cũng theo BS Chính, mặc dù có những biến chứng, stent điều trị hẹp khí quản là một trong các phương pháp có nhiều ưu điểm là ít xâm lấn, khả năng phục hồi sau mổ sớm hơn, đặc biệt có thể áp dụng khi có tổn thương hẹp đoạn dài mà không dùng các biện pháp khác được.