Tuy nhiên, khi nghiêm khắc xem xét đầu tư công và nợ công, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về vấn đề này.
Các số liệu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đưa ra mới đây cho thấy: Với mức thâm hụt ngân sách so với GDP được xác định ở mức 5,3% năm 2014 và 5% năm 2015, dự báo nợ công/GDP năm 2015 sẽ là 64,5%. Nếu tính cả 85.000 tỷ đồng trái phiếu theo kế hoạch thì mức thâm hụt ngân sách thực tế lên tới 7%. Đáng nói là, nợ công tăng cao trong khi hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công vẫn chưa kích hoạt được tăng trưởng và góp phần cải thiện phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, quyết định về đầu tư ở một số dự án lại chưa nhận được sự đồng thuận xã hội… Rà soát của Bộ KH&ĐT đã phát hiện nhiều dự án được bố trí vốn không đúng quy định. Qua số liệu tổng hợp 3 quý của năm 2014, Bộ KH&ĐT đã phát hiện có 42/5.657 dự án được bố trí vốn sai quy định với tổng vốn 602,9 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng số vốn trong nước của ngân sách.
TS Lê Hải Mơ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, chúng ta đang thiếu khuôn khổ thể chế, chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong đầu tư công. Đồng tình với ý kiến này, TS Phạm Sỹ An (Viện Kinh tế Việt Nam) khuyến nghị, cần có lộ trình tái cơ cấu đầu tư công và công cụ để giám sát tiến trình và giảm quy mô đầu tư công. Theo đó, nên thay đổi tỷ trọng của đầu tư công vào từng lĩnh vực như cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ công chất lượng; tăng đầu tư vào GD&ĐT, hoạt động chuyên môn, KHCN. Và quan trọng là tăng cường vai trò của người dân, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong việc giám sát đầu tư.
Và chìa khóa để giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư công, theo các chuyên gia, là tái cơ cấu cơ bản cơ cấu, quy mô chi ngân sách Nhà nước, hệ thống quỹ ngoài ngân sách; thực hiện kỷ luật ngân sách và đưa ra giới hạn ngân sách cứng về thâm hụt ngân sách Nhà nước.
Dự án đường sắt trên cao đoạn Cát Linh - Hà Đông
|