Để giải quyết triệt để vấn nạn chợ "cóc" rất cần những giải pháp hài hòa và mang tính nhân văn.
Tràn lan và khó quản lý
Đi dọc QL70 tới khu vực giao cắt với đường liên thôn (thuộc địa phận xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm), người tham gia giao thông sẽ bắt gặp cảnh tượng hai bên đường bị bủa vây bởi những gánh hàng rong. Khu chợ có tên là Chợ Chiều, kéo dài khoảng 500m, từ khu vực giao cắt nêu trên tới Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Tam Đại Vương dòng họ Nguyễn Quý và Cây muỗm (được công nhận là Cây Di sản Việt Nam). Tại đây người mua, kẻ bán ngang nhiên dừng đỗ xe ngay bên vệ đường để xem hàng hóa, "ngã" giá, chọn mua các loại hàng hóa. Chợ hoạt động từ khoảng 6 giờ sáng tới 12 giờ trưa và từ 15 giờ chiều tới tối mịt. Do diện tích mặt đường nhỏ nên việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, đặc biệt là khi có phương tiện lớn như ô tô, xe tải nhỏ… Tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm, chợ "cóc" trên đường Trung Văn (gần cổng trường Cao đẳng Xây dựng số 1) cũng tấp nập không kém. So với Chợ Chiều tại xã Đại Mỗ, chợ "cóc" Trung Văn không lớn bằng. Tuy nhiên, do nằm trên tuyến đường dẫn vào khu đô thị mới Trung Văn, đồng thời chạy qua nhiều trường học trên địa bàn nên khu vực này có mật độ phương tiện qua lại rất đông đúc. Vào giờ cao điểm, các chủ phương tiện di chuyển rất vất vả.
Không chỉ ngang nhiên hoạt động, một số chợ "cóc" sau khi bị xử lý mạnh tay vẫn tồn tại dưới hình thức "biến tướng" khác, phức tạp hơn, như chợ "cóc" tại thôn Trù 1 (xã Cổ Nhuế). Theo chị Nguyễn Thị Hiếu, nhân viên gác tàu tại khu vực, cách đây chừng hai tháng, dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua địa bàn thôn luôn bị bủa vây bởi những gánh hàng rau củ quả, gia súc, gia cầm… Sau khi lực lượng chức năng ra quân, xử lý nghiêm, các gánh hàng này đã chuyển qua khu vực trước những ngôi nhà lân cận để buôn bán. Tuy nhiên, xe máy, xe ba gác... phục vụ vận chuyển hàng hóa lại được đặt ngang nhiên ngay sát đường ray. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT đường sắt.
Nghĩ nhiều hơn cho người lao động
Chợ "cóc" không chỉ đơn thuần là câu chuyện mỹ quan đô thị, trật tự giao thông mà còn tác động tới một lượng lớn người dân, trong đó phần lớn là lao động nông thôn. Để giải quyết triệt để vấn nạn chợ "cóc", cần có những giải pháp căn cơ, trong đó quan tâm nhiều hơn tới nhóm lao động này. Thực tế, qua trao đổi với nhiều người dân hiện buôn bán tại chợ "cóc" ven đường ray tại thôn Trù 1 (xã Cổ Nhuế) được biết, các chủ hàng đã phải trả tiền triệu mỗi tháng để thuê không gian phía trước những căn nhà lân cận để kinh doanh, bởi khu chợ dân sinh gần đó đã chật cứng.
Ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Từ Liêm chia sẻ, tâm lý mua bán tùy tiện cố hữu của khách hàng là một trong những nguyên nhân khiến chợ "cóc" có đất hoạt động. Hơn nữa, chợ "cóc" liên quan tới câu chuyện mưu sinh của lao động nghèo nên cũng rất "phức tạp", bởi đôi khi một gánh hàng lại là nguồn thu nhập nuôi sống cả một gia đình.
Xung quanh vấn đề quản lý chợ "cóc", ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ cho biết, thực hiện Chỉ đạo 197 của TP, từ tháng 7 đến tháng 9/2013, xã đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT ra quân xử lý chợ "cóc" trên trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí phục vụ cho công tác duy trì quản lý chợ "cóc" rất hạn chế. Trước mắt, UBND xã Đại Mỗ đang xây dựng Đề án chuyển Chợ Chiều về hoạt động tạm thời tại Chợ Sáng (chỉ mở vào buổi sáng). Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khăn bởi Chợ Chiều đã hoạt động "tự do" trong hàng chục năm qua, cũng như thói quen mua sắm của người dân khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Trong dài hạn, để giải quyết triệt để vấn đề chợ "cóc", UBND xã rất mong TP xây dựng trong Quy hoạch chung thêm một khu chợ dân sinh nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm ngày càng tăng của người dân.
Chợ cóc hoạt động trên đường liên thôn xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm). Ảnh: Lâm Nguyễn
|