Chữa khỏi ung thư vú nếu phát hiện sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15.000 ca mắc bệnh ung thư vú, 70% trong số đó đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Đây là lý do khiến tỷ lệ điều trị khỏi ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới.

Tỷ lệ tử vong cao

PGS.TS Trần Đình Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, trên thế giới, cứ 22 giây lại có 1 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú; cứ 5 phút có 3 phụ nữ tử vong do ung thư vú. Mỗi năm, có khoảng 1,4 triệu người mắc ung thư vú, trong đó có 458.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 ca mắc ung thư vú và hàng ngàn người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư vú đang đứng thứ 2 trong số các dạng ung thư thường mắc ở phụ nữ tại nước ta. Đa phần người bệnh đến viện khi bệnh đã nặng khiến hiệu quả điều trị thấp. Xu hướng mắc bệnh ung thư vú không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.

 
Chẩn đoán ung thư vú (ảnh minh họa).
Chẩn đoán ung thư vú (ảnh minh họa).
Về độ tuổi mắc ung thư vú, theo PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, thông thường, tuổi càng cao nguy cơ mắc ung thư vú càng lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xu hướng mắc ung thư vú ở người trẻ (dưới 35 tuổi) đang tăng lên, độ tuổi mắc ung thư vú trẻ hơn so với các nước khác. Đặc biệt, đã phát hiện những trường hợp ung thư vú khi mới 22 tuổi. “Đây là những dấu hiệu đáng báo động” - PGS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Bệnh nhân nếu được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khả năng chữa khỏi bệnh lên tới 90%. Hiện nay trình độ khám, phát hiện và điều trị ung thư vú ở Việt Nam nói riêng và ung thư nói chung tương đương với các nước trong khu vực. Nhưng đáng tiếc, tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) ở Việt Nam cao nên tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 60%.

Nên đi khám định kỳ

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, khi có một trong số nguy cơ như tiền sử gia đình là chị, em gái, mẹ bị ung thư, nguy cơ ung thư vú sẽ cao gấp 6 lần so với bình thường. Còn những phụ nữ dùng thuốc tránh thai từ 10 năm trở lên, nguy cơ ung thư vú cao gấp 3 lần; những phụ nữ thừa cân, béo phì, hút thuốc lá… cần đi khám, sàng lọc định kỳ ở độ tuổi sớm hơn (40 - 45 tuổi). Đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau 40 tuổi nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe, trong đó có bệnh lý về tuyến vú nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư, tránh tình trạng khi chẩn đoán ra bệnh thì đã ở vào giai đoạn muộn, khả năng điều trị thấp.

Với những tiến bộ trong chẩn đoán hiện nay, bệnh nhân chỉ cần thực hiện khám sàng lọc, siêu âm và chụp XQ tuyến vú là có thể phát hiện bệnh sớm nhất, đồng thời có thể phát hiện được nhiều bất thường khác của vú như nang vú, viêm vú, bọc sữa, những tổn thương giả u…

PGS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, kết quả điều trị ung thư vú tốt hay xấu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được phát hiện. Nếu ở giai đoạn sớm, kết quả rất tốt, có thể đẩy lui bệnh 100%, trong khi phát hiện càng muộn, tỷ lệ điều trị thành công càng thấp. Ngoài ra, việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh (có nhiều trái cây và rau quả), luôn kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên, bổ sung a xít béo Omega - 3, cho con bú sữa mẹ… cũng là những cách phòng tránh ung thư vú rất hữu hiệu mà chị em nên áp dụng.

 

 
10 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư vú

Tuổi tác (tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi); Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú như mẹ, chị, em gái, con gái; Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (dưới 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 50 tuổi); Không có con hoặc sinh con đầu lòng sau 30 tuổi; Đột biến gen; Có bệnh lành tính ở vú như viêm, u nang tuyến vú; Ít vận động thể dục thể thao; Có khẩu phần ăn nhiều mỡ động vật, uống rượu, hút thuốc; Tiếp xúc với tia phóng xạ.