70 năm giải phóng Thủ đô

Chưa ngã ngũ việc cấm hay không

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghi thức hiến sinh trong một số lễ hội truyền thống như đập trâu tại lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ), chém lợn tại lễ hội thôn Ném Thượng (Bắc Ninh) từng tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị sơ kết công tác tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015, diễn ra sáng 2/7.

Mặc dù, đại diện lãnh đạo các sở, ban quản lý lễ hội, nhà nghiên cứu… phản đối, tuy nhiên, Bộ VHTT&DL vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Rước lợn tại lễ hội thôn Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh.
Rước lợn tại lễ hội thôn Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực về công tác quản lý Nhà nước, mùa lễ hội 2015 nổi lên câu chuyện tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề bạo lực của lễ hội. Đại diện Cục Di sản văn hóa thừa nhận, tục hiến sinh trong lễ hội xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng tục hiến sinh cũng đang phải đối diện với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội. Các nhà quản lý đã nhìn thấy sự  phản cảm trong các lễ hội bạo lực, tuy nhiên không thể một chiều ra văn bản cấm. Bởi vì, tại hội nghị, đại diện xã Hương Nha, huyện Nam Nông, tỉnh Phú Thọ - nơi tổ chức lễ hội Cầu trâu cho biết: "Sau khi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về làm việc với địa phương, chúng tôi đã lấy ý kiến của Nhân dân, người cao tuổi thuộc địa bàn tổ chức lễ hội. Hầu hết các ý kiến đều mong muốn duy trì lễ hội Cầu trâu, song cũng chấp nhận hình thức tổ chức để đảm bảo sự tiến bộ, văn minh".

Đại diện người dân thôn Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng cho rằng, nếu bắt người dân thay thế tục hiến sinh bằng các con vật giả, đồ mã thì họ không chấp nhận. "Tục lệ này được dân làng duy trì 16 năm liên tục và đã tạo ra được một sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Nếu cấm không cho chúng tôi thực hành lễ hội này nữa thì thật quá khiên cưỡng, khó có thể thuyết phục được người dân nhưng nếu đưa ra được hình thức thay thế phù hợp tôi tin chắc dân làng cũng sẽ ủng hộ" - đại diện Hội người cao tuổi thôn Ném Thượng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận không thể ngập ngừng với các lễ hội phản cảm, cần nhanh chóng vận động Nhân dân. Nhưng vận động Nhân dân như thế nào, Bộ trưởng VHTT&DL yêu cầu các cơ quan chuyên môn thực hiện từng bước và cẩn trọng. Bộ VHTT&DL sẽ giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản… tiếp tục lấy ý kiến của Nhân dân và các nhà khoa học, đưa ra hình thức tổ chức mới cho mùa lễ hội năm 2016. Bên cạnh vấn đề bạo lực lễ hội, hội nghị sơ kết công tác quản lý lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 còn tập trung bàn bạc hiện tượng phát sinh các lễ hội mới. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh bày tỏ quan điểm, không cấp phép mới với các loại hình lễ hội không phải là truyền thống của địa phương, đặc biệt là việc lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm nghiêm trọng Quy chế tổ chức lễ hội.