Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa như mong đợi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2006, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đưa ra đề án Xây dựng các bảng quảng cáo rao vặt (QCRV) miễn phí.

KTĐT - Năm 2006, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đưa ra đề án Xây dựng các bảng quảng cáo rao vặt (QCRV) miễn phí. Theo đề án này, đến năm 2009 toàn thành phố sẽ lắp đặt 500 điểm QCRV miễn phí, năm 2015 là 1.100 điểm. Đề án này ra đời với mong muốn xóa bỏ tình trạng nhếch nhác, thiếu mỹ quan của QCRV. Tuy nhiên, đến nay khi đề án đi được quá nửa chặng đường đã phát sinh nhiều bất cập: không hoàn thành đúng tiến độ, bảng QCRV miễn phí đã lắp đặt không có người sử dụng, thông tin QCRV miễn phí dán nham nhở, nhếch nhác…

Để thực hiện được mục tiêu trên của đề án, những năm qua, Hà Nội đã triển khai các chiến dịch ra quân xóa bỏ QCRV trái phép. UBND TP cũng ra quyết định xử phạt đối với hành vi QCRV bừa bãi. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, sau hơn 1 năm thực hiện bóc xóa QCRV, toàn thành phố đã xoá được hơn 30 triệu QCRV trái phép; đề nghị xử lý trên 4.000 số điện thoại cố tình vi phạm, bắt giữ hàng chục đối tượng treo dán QCRV, phát tờ rơi sai quy định, xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, việc quản lý QCRV vẫn chưa như mong muốn.

Các bảng QCRV miễn phí dựng trong thành phố đã không có hiệu quả sử dụng. Rất nhiều bảng ở các khu vực nội thành như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình trống trơn, không có đơn vị sử dụng. Bảng QCRV miễn phí đặt trên đường Yết Kiêu, cạnh Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, ít thông tin được đăng tải, các tờ tin dán lâu ngày bị rách nham nhở. Lượng thông tin ít nên số người đến xem không nhiều. Việc quản lý, duy tu bị bỏ ngỏ đã dẫn đến nhiều bảng thông tin QCRV miễn phí không phát huy được tác dụng, hoang tàn, chân cột  hoen gỉ, bị cỏ dại vây kín.

Trong khi đó, tình trạng QCRV ngày càng lộn xộn. Các cá nhân cũng như đơn vị thực hiện QCRV vi phạm ngày càng tinh vi hơn. Chỉ một đêm sau khi lực lượng thanh niên, phụ nữ của các phường quận ra quân xóa QCRV thì "Khoan cắt bê tông", "Nhận gia sư"… lại xuất hiện. Các khu dân cư vẫn thường xuyên xuất hiện những tờ rơi QCRV, gây tình trạng rác thải bừa bãi. Các đối tượng chọn thời điểm trời nhập nhèm tối để dán quảng cáo, các số điện thoại in trên tờ rơi quảng cáo không được đăng ký chính chủ.

Theo ý kiến một cán bộ quản lý văn hóa, mặc dù quận đã chủ động nới rộng quy chế đăng tải thông tin trên bảng QCRV miễn phí, nhưng vẫn không có nhiều người sử dụng. Nguyên nhân là do vị trí lắp đặt các bảng QCRV chưa phù hợp. Có những tấm biển đặt ở vị trí giao thông đông đúc, không tiện cho người dân dừng xem. Trong khi đó, đối tượng vi phạm luật QCRV luôn xác định rõ nhu cầu của khách hàng để quảng cáo. Hơn nữa, cho đến nay thành phố vẫn chưa có quy chế hướng dẫn, quản lý hệ thống bảng QCRV miễn phí nên các địa phương mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng lộn xộn, tùy tiện.

Một số quận gặp khó khăn trong quá trình tìm vị trí lắp đặt biển QCRV miễn phí. Theo bà Cao Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Khu vực phố cổ khá eo hẹp về diện tích. Hiện trên địa bàn quận có 4 phường không có địa điểm đặt trạm thông tin phường. Về phía quận Đống Đa, cũng chưa lắp đặt được bảng QCRV miễn phí nào. Năm 2010, UBND TP đã triệu tập các cán bộ quản lý văn hóa quận, huyện, để bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, đặc thù văn hóa, lối sống, cũng như địa hình của mỗi vùng là khác nhau. Nên đến giờ, toàn thành phố cũng chỉ dựng được 400 bảng QCRV miễn phí. Hoàn thành chỉ tiêu của đề án vẫn là điều trong mơ.

Thiết nghĩ, để không lãng phí hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng bảng QCRV miễn phí, ngoài việc xắn tay vào cuộc của từng người, từng ngành, còn cần có sự chỉ đạo hiệu quả của các đơn vị quản lý lĩnh vực này.