Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa phát huy được nội lực của cụm công nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cả nước hiện có gần 900 cụm công nghiệp (CCN) đã thành lập với tổng diện tích trên 32.000 héc ta, trong đó có trên 600 cụm đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm này thực tế đến nay mới đạt khoảng 50%.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này được đánh giá là do chất lượng công tác quy hoạch (QH) cũng như phát triển CCN chưa cao, chưa bám sát nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

 
Chưa phát huy được nội lực của cụm công nghiệp - Ảnh 1

Xưởng sản xuất của Công ty inox Tân Mỹ   tại Cụm công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai.Ảnh: Thế Dương

 

Chậm quy hoạch, thiếu vốn

Dù các CCN trên cả nước đang thu hút trên 7.300 dự án đầu tư, tạo gần 500.000 việc làm, song lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, chất lượng phát triển CCN chưa cao, thiếu tính liên kết nhằm phát huy lợi thế của địa phương. Việc thu hút DN đầu tư hạ tầng CCN còn hạn chế, trong đó mô hình chủ đầu tư là Trung tâm phát triển CCN gặp nhiều khó khăn do ngân sách địa phương hạn hẹp. Tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho các địa phương khó khăn cũng được cân đối rất thấp, dàn trải. Đặc biệt, trong công tác quản lý, nhiều CCN đã hoạt động nhưng không có QH chi tiết, không có đơn vị quản lý và kinh doanh hạ tầng, đầu tư dở dang, môi trường chưa được cải thiện... Việc huy động vốn xây dựng hạ tầng các CCN rất hạn chế nên tiến độ kéo dài, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải chưa được chú trọng, gây khó khăn cho DN và bức xúc trong dân cư.

Theo thống kê mới nhất, TP Hà Nội đã và đang xây dựng 106 CCN - tiểu thủ CN tại 21 quận, huyện, thị xã, với tổng diện tích 3.176,6ha. Trong đó, mới có 21 cụm hoàn thiện hạ tầng, lấp đầy 100%, hoạt động ổn định, còn 16 cụm đang hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư, 10 cụm chuẩn bị xây hạ tầng... Gần đây, Sở Công Thương đã tích cực đôn đốc ban quản lý 4 CCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo Quyết định 5699/QĐ-UBNDTP ngày 10/12/2012, gồm Phú Thị (huyện Gia Lâm), Kim Chung (Hoài Đức), Bình Phú (Thạch Thất), Hai Bà Trưng (Hoàng Mai). Dù vậy, đến nay, mới có CCN Phú Thị và Bình Phú chuẩn bị đầu tư; còn 2 cụm Kim Chung và Hai Bà Trưng do QH thiếu quỹ đất nên vẫn chưa triển khai hệ thống này.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đào Thu Vịnh, công tác quản lý nhà nước với hoạt động các CCN trên địa bàn còn nhiều hạn chế, một phần do lực lượng chuyên trách. Song, nguyên nhân quan trọng là "QH phát triển KCN, CCN TP Hà Nội đến năm 2020 - tầm nhìn 2030" vẫn chưa được phê duyệt. "Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc mở rộng, lập mới CCN, hơn nữa còn làm hạn chế mặt bằng sản xuất (MBSX) của DN' - bà Vịnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đề án "Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN trên địa bàn TP" cũng chưa được phê duyệt, ảnh hưởng xấu đến thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ CCN có trạm xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tương ứng. Trong công tác QH, do thiếu quỹ đất nên không ít CCN chưa triển khai được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Chưa phát huy được nội lực

Nhằm khắc phục nhiều tồn tại ở các CCN trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị TP sớm xem xét phê duyệt những văn bản quan trọng làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý, đầu tư xây dựng các CCN được thuận lợi, giúp DN có MBSX ổn định.

Về phía Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ cho biết đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1 - 3 CCN/địa phương với mức tối đa 20 tỷ đồng/cụm cho những nơi có điều kiện khó khăn theo Quyết định 60/2010/QĐ-TTg; bổ sung các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đề xuất các giải pháp đảm bảo môi trường các CCN, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung; giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, chỉ đạo quản lý việc QH và quản lý hoạt động của CCN.

Trên cơ sở sự hỗ trợ của Bộ, các địa phương cũng được yêu cầu rà soát để xác định địa điểm "hạt nhân", khu CN phụ trợ… để có những chính sách thu hút đầu tư thỏa đáng, nhất là phát triển cụm ngành CN gắn với phát triển khu vực DN tư nhân, nâng cấp năng lực cạnh tranh của vùng và tạo sự liên kết theo chuỗi sản phẩm giữa các DN và địa phương.

 
Theo QH phát triển CCN, đến năm 2020 cả nước dự kiến có 1.752 CCN với tổng diện tích 81.800 ha, trung bình 46,7 ha/CCN. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiện có trên 400 CCN chậm triển khai hoặc kém hiệu quả, 315 dự án chậm tiến độ hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật - chủ yếu là không sử dụng hết diện tích đất đã cấp, chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, không trả tiền thuê đất theo quy định, tự ý cho DN khác thuê để SXKD gây ô nhiễm môi trường, một số DN hoạt động không đúng ngành nghề đăng ký...