Chưa rõ phân quyền và trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và...

Kinhtedothi - Ngày 7/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó, quyền hạn của Thủ tướng, hạn chế cấp phó, có nên bổ sung cơ chế từ chức… là những nội dung được các ĐB đặc biệt quan tâm.

Vẫn mơ hồ về chế độ trách nhiệm

Về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các ĐB đều đặt vấn đề cần làm rõ chủ thuyết của Dự Luật, đó phải là chủ thuyết tăng cường chế độ trách nhiệm - một điểm yếu kém, hạn chế nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ hiện nay.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) nhận định, cả Thủ tướng và các bộ trưởng đều đang quản lý quá chi tiết, thiếu thời gian cho chức năng quan trọng của mình là định hướng chiến lược. "Thủ tướng không phải người quản lý mà là người lãnh đạo. Thủ tướng đang làm những việc rất nhỏ như ký quyết định thành lập một khoa của một trường đại học. Đất nước không thể đi lên được nếu Thủ tướng không có thời gian để nghĩ việc lớn". Theo ĐB, ở cấp bộ cũng đang như vậy: Bộ trưởng không khác gì người quản lý, cầm tay chỉ việc, trong khi người có chức năng quản lý cao nhất là các Thứ trưởng.

 
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân
Cho rằng Dự Luật vẫn cũ khi chưa làm rõ được chủ thuyết "tăng cường chế độ trách nhiệm", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: Vụ việc gì cũng xin ý kiến Thủ tướng, vậy trách nhiệm 3 cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành chủ quản ở đâu? Liên quan tới chế độ trách nhiệm, ĐB Nguyễn Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, vấn đề VSATTP có rất nhiều ngành tham gia, nhưng không rõ ai chịu trách nhiệm chính.

Cùng với đó, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phải làm rõ tính thực thi và tính chủ động của chính quyền địa phương. Chính phủ điều hành nhưng địa phương phải có tính chủ động, chứ không phải răm rắp tuân theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là điểm đang yếu của Luật Tổ chức Chính phủ hiện nay.

Về trách nhiệm của bộ trưởng, các ĐB đề nghị bổ sung vào luật việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vì liên quan đến chuyện từ chức.

Thủ tướng có thẩm quyền cách chức cán bộ?

Một điều được nhiều ĐB nhấn mạnh là tuy là luật về tổ chức nhưng quy định rất chung chung, không nói rõ số lượng Phó Thủ tướng hay số bộ là bao nhiêu. Các ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội), Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) và nhiều ĐB đề nghị ghi rõ trong luật số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng các cơ quan do Chính phủ quy định và không nên quá 3 người, trường hợp cần thì phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chứ không do Thủ tướng quyết.

Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), mặc dù Dự Luật quy định chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng dài mấy trang, nhưng đọc mãi vẫn thấy thiếu thẩm quyền của Thủ tướng. Đó là quyền cách chức, bổ nhiệm trong bộ máy của mình. "Điều này thể hiện rõ nhất trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy hành chính cao nhất nước. Ví dụ, vụ việc mấy ông Vinashin vừa rồi mà Thủ tướng cứ phải xin ý kiến, chờ thẩm định mãi mới xử lý được" - ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhận xét. Liên quan đến các vấn đề khác, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm Văn phòng Chính phủ chỉ là bộ phận giúp việc cho Thủ tướng, còn trên từng lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội thì để các bộ trực tiếp giúp việc.

Chưa rõ mô hình chính quyền địa phương

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) cho rằng: Việc thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường đang trong quá trình thí điểm, mô hình các đơn vị hành chính đặc biệt cũng đang hình thành, nên bản thân các ĐB Quốc hội chưa rõ mô hình, phạm vi, quyền hạn đến đâu, chưa có đầy đủ thông tin để có thể góp ý, lựa chọn phương án quy định trong Luật. Nhiều ĐB cho rằng, đây là một luật quan trọng nhưng trong Dự thảo trình Quốc hội lại không có nguyên tắc, trong đó có việc phân cấp, phân trách nhiệm. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) góp ý: Dự Luật phải đảm bảo nguyên tắc phát huy vai trò HĐND các cấp, đảm bảo sự thống nhất điều hành từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó, các ĐB khác cho rằng, phải làm rõ thêm về mô hình đơn vị hành chính đặc biệt, việc phân định thẩm quyền giữa cơ quan Nhà nước ở T.Ư và địa phương.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị không nên bỏ HĐND cấp quận, phường, bởi ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát của cơ quan dân cử. ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) nêu thực tế, cán bộ đang làm công tác HĐND ở cấp quận, phường đang có lấn cấn về tư tưởng, bởi chúng ta đã thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường ở một số địa phương được 5 năm rồi mà vẫn chưa có tổng kết, chưa có quyết định cuối cùng. Có cảm giác hoạt động của HĐND cấp phường, quận có cũng được, không có không sao nên HĐND cấp này rất hạn chế về quyền biểu quyết các vấn đề, chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là về phân bổ ngân sách, thường do cấp trên điều tiết. "Dù chúng ta có đi theo hướng nào cũng phải nâng cao năng lực HĐND các cấp, trong đó yêu cầu quy định số ĐB chuyên trách tối thiểu" - ĐB Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) góp ý.

Các ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tổng kết việc thực hiện thí điểm bỏ mô hình HĐND cấp quận, phường. Đồng thời, cần tổ chức lấy ý kiến các ĐB Quốc hội về riêng nội dung này, làm sao để HĐND phát huy được hiệu quả hoạt động.
Bộ Y tế thành lập đoàn kiểm tra về nghi án Bio - Rad

Ngày 7/11, trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội về vụ Bio-Rad, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Không có chứng cứ, không có số liệu mà ngồi đây để nói vụ việc như thế nào rất khó. Bộ Y tế đã có công văn gửi sang cơ quan công an đề nghị vào cuộc điều tra, vì vậy phải chờ kết quả điều tra. Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để nắm bắt thông tin liên quan đến nghi án Bio - Rad Laboratories (Bio - Rad) tại Việt Nam và đoàn kiểm tra hiện đang triển khai công tác, tìm hiểu về vấn đề này. Vụ việc từ năm 2005 - 2009 nên phải có rà soát mới biết được.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thông tin: Hiện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chưa có phản hồi gì về vụ việc này, nhưng Việt Nam và Mỹ có quan hệ song phương về y tế nên chắc chắn Mỹ sẽ hợp tác và cung cấp những thông tin liên quan đến vụ việc Bio-Rad. Còn về cơ chế giám sát trong các vụ việc tương tự như Bio - Rad từ trước đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đã có nhiều văn bản luật như Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều có; những điều đảng viên không được làm; trong các quy định viên chức, công chức đều có các quy định giám sát...