Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa Tết, giá cua Cà Mau đã vượt mốc hơn 1 triệu đồng/kg

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Chỉ 2 tuần sau khi Ngày hội cua Cà Mau vừa kết thúc ngày 31/12/2022, giá cua Cà Mau các loại đã hơn tăng gấp đôi. Dự báo giá còn có xu hướng đạt đỉnh như năm 2019 ở những ngày tết với mức 1,5 triệu đồng/kg.

Tại sự kiện Ngày hội cua Cà Mau vừa kết thúc cách đây 2 tuần, tỉnh đã chuẩn bị 300 tấn cua nguyên liệu cùng nhiều giải pháp bình ổn sản lượng và giá cua
Tại sự kiện Ngày hội cua Cà Mau vừa kết thúc cách đây 2 tuần, tỉnh đã chuẩn bị 300 tấn cua nguyên liệu cùng nhiều giải pháp bình ổn sản lượng và giá cua

Đây là tín hiệu vui cho người nuôi cua ở Cà Mau, khi ngay dịp cận tết, giá cua vẫn còn đang trên đà tiếp tục tăng. Nguyên nhân do thời điểm hiện tại, Tết Nguyên đán đang đến gần cùng với việc thị trường Trung Quốc phục hồi đã mở cửa trở lại như trước khi xảy ra đại dịch đang làm nguồn cầu tăng mạnh, khiến cho giá cua ở Cà Mau đang tăng ở mức cao.

Cầu vượt cung

Ngày 14/1, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, sau Ngày hội cua Cà Mau, giá cua đã tăng mạnh và còn có xu hướng tăng cao trong những ngày tới. 

Theo ghi nhận của phóng viên tại Cà Mau, hiện mức giá đang cao gấp đôi so với những thời điểm diễn ra Ngày hội cua. Theo đó, giá các loại cua dao động từ 400.000-900.000 đồng/kg, trong đó giá cao và hút hàng nhất là cua gạch tại huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển.

Cụ thể, cua gạch Cà Mau loại 1 (trọng lượng 500 gram trở lên/con) có giá 1.050.000 đồng/kg, tăng hơn 650.000 đồng/kg so với trước đó; cua gạch loại 2 (dưới 500 gram/con) có giá 700.000 đồng/kg; y nhất (cua đực loại 1) giá 450.000 - 500.000 đồng/kg; cua y tứ (dưới 300gram) 400.000 đồng/kg...

Nghề nuôi cua ở Cà Mau hiện chỉ áp dụng thả nuôi trong điều kiện tự nhiên, nên việc khai thác đồng loạt để tạo lượng lớn sản phẩm cua chất lượng cao theo nhu cầu thị trường là rất khó.
Nghề nuôi cua ở Cà Mau hiện chỉ áp dụng thả nuôi trong điều kiện tự nhiên, nên việc khai thác đồng loạt để tạo lượng lớn sản phẩm cua chất lượng cao theo nhu cầu thị trường là rất khó.

Theo đánh giá của thương lái và các cơ sở thu mua, giá cua tăng lên cao đột biến do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã ổn định trở lại.

Anh Trương Bão Vũ, chủ cơ sở thu mua cua Bão Vũ tại đường Phan Ngọc Hiển, phường 9, TP Cà Mau cho biết: "Thị trường Trung Quốc nhập cua từ Việt Nam đã ổn định, nên giá cua ở Cà Mau còn có thể sẽ tăng mạnh hơn vào những ngày tiếp theo. Đặc biệt là loại cua gạch Cà Mau loại I, mặt hàng này giá có thể cao hơn 1 triệu đồng/kg mà vẫn không đủ hàng cung. Thêm nữa, thời điểm Tết nên sức tiêu thụ trong nước sẽ càng tăng mạnh theo thông lệ.” Anh Vũ nhận định, giá cua sẽ giảm và bình thường trở lại khi qua thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nhưng sẽ tiếp tục tăng lại vào dịp lễ 30/4-1/5 tới. Theo anh, với thực trạng cầu đang vượt cung như hiện nay, giá cua có thể có thể vượt trên 1 triệu đồng/kg trong những ngày tới. Thậm chí, có khả năng tăng vượt mức kỷ lục năm 2019, thời điểm mà giá cua đạt gần 1,5 triệu đồng/kg.

Anh Trương Bão Vũ, chủ vựa thu mua cua lớn ở TP Cà Mau dự báo giá cua có thể tăng đạt mốc 1,5 triệu đồng/kg vào thời điểm tết.
Anh Trương Bão Vũ, chủ vựa thu mua cua lớn ở TP Cà Mau dự báo giá cua có thể tăng đạt mốc 1,5 triệu đồng/kg vào thời điểm tết.

Theo các hộ dân nuôi cua ở Cà Mau, sản lượng cua vào mùa này thường thấp hơn các mùa khác trong năm khiến nguồn cung thiếu hụt. Nguyên nhân do thời tiết bất ngờ chuyển lạnh, nên sản lượng cua thu hoạch không cao.

Con cua Cà Mau mỗi năm tạo ra 10.000 tỷ đồng, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh, chỉ đứng sau con tôm.
Con cua Cà Mau mỗi năm tạo ra 10.000 tỷ đồng, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh, chỉ đứng sau con tôm.

Thông tin từ UBND huyện Năm Căn - địa phương sở hữu thương hiệu tập thể "Cua Năm Căn Cà Mau" cho biết, nông dân địa phương đang tranh thủ thu hoạch để phục vụ thị trường Tết, tuy nhiên, sản lượng hiện nay khó đảm bảo nhu cầu của thị trường. Địa phương này còn cho biết thêm, để có cua bán vào thời điểm Tết Nguyên đán thì người nuôi đã thả giống ngay từ tháng 7 Âm lịch. Sau 4-5 tháng thả nuôi, cua sẽ đạt kích cỡ cho phép thu hoạch với trọng lượng bình quân 300 gram/con.

Trước đó, để phục vụ tốt nhất cho ngày hội cua Cà Mau, tỉnh đã chủ động chuẩn bị từ 260-300 tấn cua thương phẩm. Ngoài ra, còn vận động người dân tăng cường thu hoạch cua nhằm đảm bảo nguồn cung và triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá cua.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cua biển Cà Mau được thực khách đánh giá là loại cua ngon và chất lượng nhất, môi năm con cua Cà Mau đã tạo ra giá trị vật chất tương đương 10.000 tỷ đồng, được xác định là ngành hàng chủ lực, chỉ đứng sau con tôm. Với hơn 250.000 ha diện tích nuôi cua xen canh, Cà Mau trở thành địa phương có sản lượng cua nhiều nhất trong cả nước. Tuy nhiên, nghề nuôi cua ở Cà Mau hiện nay do áp dụng hình thức thả nuôi tự nhiên trong vuông tôm, nên thời điểm thu hoạch cua không đồng đều. Vì thế vào những thời điểm nhất định, khi sức hút của thị trường càng lớn thì sản lượng càng khó đáp ứng. Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cua Cà Mau.