Chưa thể yên tâm với đà phục hồi kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015 đã đi qua 4 tháng, từ 1/3 thời gian này có thể nhận diện được 4 tín hiệu khả quan và 3 điểm cần cảnh báo.

Những kết quả khả quan

Khả quan rõ nhất là tốc độ tăng GDP quý I năm nay cao nhất so với cùng kỳ của 4 năm trước đó. Dấu hiệu phục hồi tăng trưởng của quý I được tiếp tục trong tháng 4 và trước hết là sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tiếp tục nhiều hơn cả về quy mô tuyệt đối (tháng 4 đạt 16.149 tỷ đồng), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (3 tháng tăng 3,2%, 4 tháng tăng 6,2%), cả về tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm (3 tháng đạt 17,6%, 4 tháng đạt 26,2%). Số DN đăng ký thành lập mới tăng cả về số DN (9,7%), cả về lượng vốn đăng ký (13,3%). Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 6.316 DN (tăng 7,7%). Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư đã được cải thiện một bước.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Ocean Mart.     Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị Ocean Mart. Ảnh: Công Hùng
Một tín hiệu khả quan khác là giá tiêu dùng sau 4 tháng tăng rất thấp (0,05%); gần như chắc chắn cả năm nay sẽ tăng thấp hơn mục tiêu đề ra (5%) và là năm thứ 4 tăng thấp. Đó cũng là niềm vui của những người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp. Đồng thời, thu ngân sách 4 tháng đạt khá so với dự toán cả năm (34,5%) và tăng khá so với cùng kỳ năm trước (9,4%), mặc dù thu từ dầu thô đạt thấp so với dự toán (24,7%) và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (giảm 32,6%); thu ngân sách từ xuất nhập khẩu cũng đạt thấp (29,4%) và tăng thấp (7,3%). Đáng lưu ý, thu nội địa đạt cao hơn (37,4%) và tăng cao hơn (17%), chứng tỏ sản xuất có dấu hiệu phục hồi và hoạt động hiệu quả hơn.

Một tín hiệu khả quan nữa là lòng tin về phục hồi tăng trưởng, kiềm chế lạm phát được củng cố khi bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá vàng giảm 3,21%, giá USD chỉ tăng 1,47%, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm trở lại góp phần giảm bớt và khắc phục những điểm nghẽn, đặc biệt là nợ xấu.

Và những cảnh báo

Cùng với những kết quả trên, kinh tế 4 tháng cũng đặt ra những cảnh báo. Thứ nhất là nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm ở cả trong nước và xuất khẩu. Giá lương thực bình quân 4 tháng giảm 0,48% so với cùng kỳ; xuất khẩu nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 6% (giảm 550 triệu USD, tương đương với 12.000 tỷ đồng) - một số tiền không nhỏ, vừa ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân, vừa tác động tiêu cực đến sức mua có khả năng thanh toán của nông dân.
Tốc độ tăng/giảm một số chỉ tiêu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tốc độ tăng/giảm một số chỉ tiêu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
 
Điểm cần cảnh báo thứ hai là DN vẫn còn gặp khó khăn, số phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn còn lớn và tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước (4,5%). Trong các khó khăn hiện nay, lớn nhất vẫn là việc tiếp cận vốn vẫn còn khó, mặc dù lãi suất cho vay đã hạ xuống nhưng vẫn còn cao, nợ xấu còn lớn; DN trong nước còn gặp khó khăn hơn khi tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm và hiện ở mức thấp.

Điểm cần cảnh báo thứ ba là xuất khẩu tăng chậm lại (4 tháng tăng 8,2%) và thấp hơn mục tiêu cả năm (10%). Nhập khẩu tăng cao lên. Nhập siêu lớn (lên tới 3 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2 tỷ USD); khả năng cả năm có thể lên tới 12 tỷ USD, vượt xa so với kế hoạch (8,25 tỷ USD); khu vực trong nước nhập siêu cao lên (5,7 tỷ USD so với 3,8 tỷ USD), khu vực FDI xuất siêu thấp xuống (2,7 tỷ USD so với 5,8 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ (10,7 tỷ USD so với 7,4 tỷ USD), từ Hàn Quốc (6,5 tỷ USD so với 5,1 tỷ USD), từ ASEAN (1,8 tỷ USD so với 1,4 tỷ USD); từ Nhật Bản chuyển từ xuất siêu trong kỳ trước (1,2 tỷ USD) sang nhập siêu trong kỳ này (0,5 tỷ USD)…